Đó là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 trong cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, 10.400 xã, phường diễn ra trong sáng ngày 25/9/2021.
Sáng ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã phường thị trấn.
Tham dự cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; lãnh đạo một số bộ, ngành có liên quan.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố dự cuộc họp tại các điểm cầu địa phương.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cuộc họp nhằm đánh giá tình hình, diễn biến dịch bệnh trong 2 tuần qua, nhất là tuần vừa qua, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, những gì được và chưa được, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, các bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát, từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho thời gian tới, nhất là cho tuần tới.
Bên cạnh đó, cuộc họp cũng tập trung vào vấn đề tiếp tục cho ý kiến về dự thảo kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 để phát triển kinh tế-xã hội. Vừa qua, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế xây dựng dự thảo kế hoạch này với các chỉ tiêu, quy định, quy trình để đánh giá, thực hiện.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tại nước ta, trong 14 ngày qua ghi nhận 152.215 trường hợp mắc mới (87.214 ca cộng đồng); tuần qua ghi nhận 72.236 ca mắc, giảm 9,7% so với tuần trước đó.
Trong đợt dịch thứ 4, đến ngày 24/9/2021, cả nước đã ghi nhận khoảng 734.000 ca mắc, 503.000 người đã khỏi bệnh (chiếm tỷ lệ 69%); có 16/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới , 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát , có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc nào (Cao Bằng).
Số tử vong trong tuần giảm 12,1% so với tuần trước đó; riêng TP. Hồ Chí Minh giảm 10,5%, Bình Dương giảm 12,6%, Đồng Nai giảm 15,4%, Long An giảm 15,8%.
Tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc trong 7 ngày gần đây giảm 9,8% so với 7 ngày trước (trong đó có Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An). Trong tuần, ghi nhận 40.577 ca mắc trong cộng đồng (chiếm 56,2% tổng số ca mắc), giảm 11,7% so với tuần trước.
Các địa phương khác tình hình dịch bệnh cơ bản vẫn đang được kiểm soát.
Trong phần phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu: “Cố gắng từ nay đến 30/9 sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát để khôi phục phát triển kinh tế-xã hội”.
Trước đó, trong các công điện chỉ đạo mới của Thủ tướng chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, người đứng đầu chính phủ đã nhấn mạnh, phải lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch. Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.
Hiện, Việt Nam vẫn đang được đánh giá là quốc gia có mô hình chống dịch hiệu quả và được nhiều tổ chức y tế quốc tế đánh giá cao. Việc nước ta luôn linh hoạt trong chiến lược phòng chống dịch bệnh, liên tục đúc kết kinh nghiệm và sáng tạo không ngừng từ các bài học thực tế trong công cuộc chiến đấu chống "giặc dịch" và phủ rộng tuyên truyền về tình hình phòng chống dịch trên mọi phương tiện truyền thông để đưa tin tức chính thống tới từng người dân cũng là động thái được giới chức thế giới đánh giá cao.
Thái An - SHTT
Link nội dung: https://suckhoetoday.com.vn/den-30-9-tung-buoc-noi-long-gian-cach-co-kiem-soat-a1117.html