Người dân nên làm gì để vượt qua hội chứng hậu COVID-19?

Để không rơi vào sang chấn tâm lý hậu COVID-19, cũng như biết cách tự điều chỉnh bản thân.

Việt Nam hiện có hơn 2 triệu ca mắc COVID-19, chiếm gần 2% dân số, trong số đó có nhiều bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID-19 với các triệu chứng phổ biến là mệt mỏi, khó thở, giảm tập trung, rối loạn giấc ngủ, thậm chí rối loạn nhận thức...

Những triệu chứng này có thể là những triệu chứng mới khởi đầu sau khi hồi phục COVID-19 hoặc dai dẳng kéo dài từ khi mới nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, đến nay ngành chức năng vẫn chưa có thống kê, ghi nhận một cách đầy đủ về tình hình hậu COVID-19 trong cộng đồng, cũng như phác đồ điều trị hậu COVID-19.

hau-covid-1642388553.jpeg

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19

Thế nào là hội chứng hậu COVID-19

Vào đầu tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu COVID-19 (post COVID-19 condition). Theo đó, tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu nhiễm COVID -19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

Tình trạng này có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc COVID-19. Họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.

WHO ước tính 10-20% bệnh nhân COVID-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh. Giống bệnh cảnh COVID-19 cấp tính, hội chứng COVID kéo dài gây tổn thương và biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan: hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da, lông...

Triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau cơ khớp, ho, khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức, rụng tóc, mất mùi vị, giảm khả năng nhận thức, giảm tập trung, lú lẫn, hay các rối loạn tâm lý, như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.

Không chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng kể trên, mà ở người bệnh còn có thể xuất hiện những bất thường cận lâm sàng như tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormon giáp, giảm độ lọc cầu thận; rối loạn chức năng hô hấp: giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi; bất thường hình ảnh học: xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực, rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim...

Nhiều bệnh viện thành lập khoa hậu COVID-19

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hậu COVID-19 không chỉ tác động đến sức khỏe (triệu chứng dai dẳng, tổn thương trên người bệnh, ảnh hưởng xấu sức khỏe, nhu cầu chăm sóc và phục hồi chức năng) mà còn ảnh hưởng công việc (khả năng trở lại làm việc, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc), tác động đến xã hội và kinh tế (ảnh hưởng tài chính của cá nhân và xã hội, thái độ của xã hội với người bệnh, hệ thống an sinh xã hội).

Thực tế, hậu COVID-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân nặng và lớn tuổi, mà còn ghi nhận ở người trẻ từ 30-40 tuổi, mắc COVID-19 nhẹ.

“Tại Thành phố Hồ Chi Minh hiện có hơn 300.000 người bệnh mắc COVID-19 đã xuất viện, vì vậy nhu cầu được chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 là vấn đề đáng quan tâm,” ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh ghi nhận nhiều bệnh nhân có di chứng tim, phổi, rối loạn tâm thần sau khi mắc COVID-19, nhiều bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã thành lập khoa điều trị hậu COVID-19 nhằm chăm sóc, khôi phục sức khỏe và tinh thần cho những bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, quận Hoàng Mai, Hà Nội...

Chỉ riêng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh), thống kê trong 40 ngày, từ 1/12/2021 đến 10/1/2022, có 1.021 bệnh nhân hậu COVID-19 đến thăm khám ở tất cả chuyên khoa. Đa phần vì mệt mỏi, khó thở, suy nhược tinh thần. Trong đó, trên 510 bệnh nhân (chiếm 50%) gặp vấn đề về hô hấp, 182 bệnh nhân gặp vấn đề thần kinh, 134 trường hợp tim mạch, 80 trường hợp về nội tiết, 66 trường hợp về tiêu hoá, 49 trường hợp cơ xương khớp.

Bệnh viện Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các đơn vị tiếp nhận, điều trị hơn 1.000 ca bệnh mắc di chứng hậu COVID-19, trong đó 341 ca điều trị nội trú, còn lại điều trị ngoại trú.

Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã thành lập khoa hồi phục chức năng hậu COVID-19 với 40 giường bệnh. Đây cũng là đơn vị hồi phục chức năng hậu COVID-19 đầu tiên tại phía Bắc nhằm chăm sóc, khôi phục sức khỏe và tinh thần cho những bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, hiện nay Bệnh viện chưa tiếp nhận người dân có mong muốn điều trị hồi phục chức năng hậu COVID-19 ở ngoài khu vực bệnh viện.

“Vì đây là cơ sở điều trị COVID-19 nên việc bệnh nhân đã ra viện hay bệnh nhân bên ngoài muốn vào điều trị hậu COVID-19 đều rất phức tạp. Người nhà đi cùng, vào tận nơi thì môi trường sẽ không được an toàn. Nên hiện tại chúng tôi chỉ cố gắng điều trị hậu COVID-19 cho các bệnh nhân trong viện trước," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 cho biết.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phát hiện sớm tình trạng mắc di chứng hậu COVID-19, bệnh nhân sau khi xuất viện và có kết quả âm tính cần quay lại cơ sở y tế để tái khám trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần để kiểm tra định kỳ xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang chuyên sâu tim để đánh giá tổng quát, tầm soát.

Người bệnh nên làm gì?

Theo các bác sỹ, hội chứng hậu COVID-19 có thể xuất hiện ngay sau khi điều trị khỏi nhưng cũng có nhiều trường hợp sau 4 tuần kể từ lúc khỏi bệnh mới xuất hiện. Những rối loạn này có thể kéo dài trong 4 tuần, thậm chí đến vài tháng.

Bên cạnh những triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau cơ khớp, ho, khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức, rụng tóc, mất mùi vị... thì tình trạng giảm khả năng nhận thức, giảm tập trung, lú lẫn, hay các rối loạn tâm lý, như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ... đang khiến nhiều bệnh nhân dù đã khỏi COVID-19 vẫn không thể trở lại cuộc sống bình thường như trước đây.

Thạc sỹ, bác sỹ tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách (Trung tâm Tâm lý lâm sàng Dr Bee – Hà Nội) cho biết, đã trực tiếp tư vấn cho rất nhiều trường hợp gặp một, thậm chí nhiều triệu chứng về tâm lý sau khi khỏi bệnh như mất ngủ, rối loạn lo âu, giảm trí nhớ... “Những triệu chứng này nếu không điều trị sớm, dứt điểm sẽ là nguyên nhân gián tiếp mắc phải các vấn đề tim mạch, tiêu hóa, dạ dày...” - bác sỹ Bách thông tin.

Vị chuyên gia tâm lý phân tích, thực chất COVID-19 đã gây nên một sang chấn tâm lý cho một hệ thống xã hội rộng lớn, không chỉ những người đã mắc COVID-19, mà kể cả những người chưa mắc trong thời điểm hiện tại và kể cả sau đại dịch đều có những sang chấn tâm lý nhất định.

Thường những người người yếm thế về tài chính, bệnh tật, về vị trí xã hội... thì sang chấn tâm lý càng lớn và khi đó, sự lo sợ của họ càng tăng cao gấp nhiều lần. Những cơn sóng như vậy tạo nên áp lực vô cùng lớn trong não bộ của mỗi con người. Đó là những người chưa mắc COVID-19.

Vậy với người mắc COVID-19, họ sang chấn ở những điểm gì? Sự lo sợ bởi chủng virus mới được thông tin qua tất cả các kênh báo chí, truyền thông trong thời gian dài với các thảm họa do chúng gây ra, đã làm rất nhiều người tử vong.

“Bình thường, khi một người bị mắc cảm đột ngột, dù đau mỏi toàn thân, dù mắc nặng vô cùng nhưng họ cũng không quá lo lắng, bởi họ biết đấy là cảm cúm mà ai cũng mắc nhiều lần trong đời. Tuy nhiên với SARS-CoV-2, khi cả thế giới vẫn chưa nhận định được sự tàn phá của con virus này sẽ đi đến đâu, các chuyên gia y tế, chuyên gia dịch tễ cũng chưa có hiểu biết nhiều về con virus này... Chính những điều mơ hồ đó đã gây nên những hoang mang, lo sợ, tạo sang chấn trong não bộ... Rối loạn lo âu và sợ hãi của đa phần người mắc COVID-19 chính là điều này,” vị chuyên gia tâm lý nhận định.

Để không rơi vào sang chấn tâm lý hậu COVID-19, cũng như biết cách tự điều chỉnh bản thân khi có các dấu hiệu sang chấn tâm lý, bác sỹ Bách cho rằng, mỗi người phải khởi lên trong tâm mình một ý chí cầu sinh. “Ý nghĩ được sống và phải sống như một mặc định trong mỗi chúng ta. Khi ý chí cầu sinh càng lớn thì hy vọng khỏi bệnh lại càng lớn và chính sự hy vọng đó sẽ giúp người bệnh có thêm quyết tâm khỏi bệnh và không rơi vào các rối loạn tâm lý.”

Mỗi người cần có tư duy mạch lạc về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân với cuộc sống sẽ làm giảm thiểu nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu...

Bên cạnh đó, cần dùng nghị lực để vận động cơ thể tối đa nhất khi mắc bệnh, bởi càng vận động, cơ thể càng sản sinh ra nhiều động năng cũng như kích hoạt kháng thể bản thân để đối chọi với nguy cơ xâm lược của COVID-19. “Càng nằm, chúng ta sẽ càng mệt và càng chìm ý thức vào những lo lắng không định hình,” bác sỹ Bách lưu ý.

Đặc biệt, người bệnh cần có niềm tin và tuân thủ phác đồ điều trị của y tế. Theo bác sỹ Nguyễn Hồng Bách, thực tế cho thấy có không ít người cố gắng tìm hiểu nhiều kênh thông tin khác nhau để tự tìm cho bản thân một phác đồ mà họ cho rằng hữu hiệu hơn.

“Việc này làm họ tự không chính thống bản thân và tạo ra nhiều sự hoang mang hơn với chính bản thân và phác đồ chuẩn mực của bác sỹ. Hãy tin tưởng vào các bác sỹ,” chuyên gia tâm lý nhắn nhủ.

Link nội dung: https://suckhoetoday.com.vn/nguoi-dan-nen-lam-gi-de-vuot-qua-hoi-chung-hau-covid-19-a1827.html