Hệ thống siêu thị Hàn Quốc Ms Thao-Seoul Mart thuộc Công ty Cổ Phần Thương mại và Xuất Nhập Khẩu Hưng Đạt, với 2 cơ sở nằm trên địa bàn huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Hệ thống siêu thị được quảng cáo là chuỗi cửa hàng chuyên bán sỉ lẻ các sản phẩm hàng nội địa có nguồn gốc rõ ràng, uy tín, nhập khẩu và xách tay từ Hàn Quốc.
Trên Facebook chính thức của hệ thống có địa chỉ https://www.facebook.com/hanquocstuffs cũng liên tục quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm về Nhân sâm, Nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, hàng tiêu dùng chính hãng có xuất xứ nội địa Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trái ngược với những nội dung quảng cáo tại cửa hàng và trên Facebook, theo phản ánh của người tiêu dùng, Hệ thống siêu thị hàng hóa Hàn Quốc Ms Thao-Seoul Mart nằm ở các khu vực huyện Đông Anh, TP Hà Nội, từ lâu đã bày bán nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên tất cả các sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, niêm yết giá bán... Điều này gây nghi ngờ lớn cho người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm.
Vừa qua, Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo (sohuutritue.net.vn) nhận được phản ánh của bạn đọc về việc ‘Siêu thị hàng hóa Hàn Quốc’ (địa chỉ: Số nhà 1, ngõ 3, Chợ Tó, Uy Nỗ, Đông Anh, TP Hà Nội, Việt Nam) và ‘Siêu thị Hàn Quốc’ (địa chỉ: Kiot 06, Tòa B, chung cư Intracom, Nhật Tân, Đông Anh) là 2 cơ sở bán hàng của Công ty Cổ Phần Thương mại và Xuất Nhập Khẩu Hưng Đạt đang bày bán nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ (không tem nhãn phụ Tiếng Việt - toàn chữ nước ngoài). Điều này khiến người tiêu dùng hoang mang, không hiểu rõ công dụng của sản phẩm, đặc biệt là những hàng hóa thực phẩm, mỹ phẩm, nước uống và sản phẩm chức năng hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng (thực phẩm chức năng).
Sau khi tiếp nhận thông tin, phóng viên của Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo đã trực tiếp tìm đến 02 cơ sở nêu trên để kiểm chứng thông tin một cách khách quan và ghi nhận sự việc.
Tại cả 2 cơ sở, theo quan sát của PV, cửa hàng bày bán nhiều hàng hóa, sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn phụ tiếng Việt… tại đây có rất nhiều mặt hàng được bày bán đa dạng về chủng loại, mẫu mã mà nhiều nhất là các loại rượu đến mỹ phẩm, thực phẩm chức năng như: Đông trùng hạ thảo, nhân sâm, linh chi, Collagen, TPCN bổ gan, bổ não, dầu gội, mỹ phẩm dưỡng da, mỹ phẩm trang điểm, rượu sâm, bánh kẹo….
Có thể thấy, các sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài không có nhãn phụ sẽ gây khó khăn cho khách hàng trong việc tìm hiểu thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ sản phẩm, thời gian sản xuất và hạn sử dụng cũng như các thành phần của sản phẩm, đồng thời làm gia tăng tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng...
Trong vai của khách hàng, sau khi mang những băn khoăn về nguồn gốc hàng hóa để trao đổi với nhân viên tại cửa hàng. Phóng viên được nhân viên bán hàng cho biết, hầu như tất cả các sản phẩm ngoại tại đây đều có giá rẻ hơn thị trường bởi đây là hàng xách tay hay còn có tên gọi khác là hàng “bay”, hàng cont (hàng theo đường container) và có người nhà bên nước bản địa gom hàng và vận chuyển về không qua Hải quan nên không mất một số chi phí khác dẫn đến giá thành rẻ.
Từ sự việc nêu trên của 02 cơ sở Siêu thị hàng hóa Hàn Quốc, câu hỏi được nhiều người tiêu dùng đặt ra là: Người sử dụng sẽ ra sao nếu mua phải những mặt hàng rởm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường? Khi có sự cố xảy ra, tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng?...
Trong năm 2020, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, đối với hành vi kinh doanh hàng xách tay như mỹ phẩm, thuốc... không có hóa đơn, chứng từ, không làm thủ tục hải quan…(hàng nhập lậu) có giá trị trên 100 triệu đồng, thì mức phạt với tổ chức vi phạm lên đến 200 triệu đồng.
Vậy vai trò của các cơ quan chức năng ở đâu khi để cho các cửa hàng này bày bán sản phẩm đó? Liệu đây có phải hành vi tiếp tay cho tiêu thụ hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và cơ quan quản lý thị trường đang ở đâu khi hàng không rõ xuất xứ, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt vẫn được bày bán công khai?
Trên tinh thần bảo vệ người tiêu dùng, Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục xác minh sự việc trên đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và xử lý vi phạm nếu có và thông tin đến bạn đọc.
Theo Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, người có hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị áp dụng hình phạt tiền tùy từng mức độ, có thể lên đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
Bên cạnh đó, nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hoặc hàng hoá nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt con trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi thì có thể bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, tối đa có thể lên đến 200.000.000 đồng.