Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay đã có hơn 200 trường hợp trẻ em bị viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân được ghi nhận tại khoảng 20 nước châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương..., trong đó có 4 ca đã tử vong.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM, các nhà nghiên cứu cho rằng căn nguyên "có lý" nhất gây bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em đó là adenovirus (virus chứa DNA chuỗi kép, đường kính của virus từ 70-80nm, không có vỏ bọc bên ngoài).
Kết quả xét nghiệm phần lớn trẻ mắc viêm gan đều có kết quả xét nghiệm nhiễm virus này. Trước đây cũng từng có ca mắc adenovirus bị suy gan nặng, phải ghép gan, thậm chí là tử vong. Nhưng điều kỳ lạ của bệnh viêm gan "lạ" gần đây là tỉ lệ mắc cao hơn, đối tượng mắc bệnh khác hơn.
Bác sĩ Lê Thanh Phuông, Trưởng Đơn vị chuyên khoa gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết có một số dấu hiệu khác cảnh báo bệnh viêm gan chưa thể lý giải này là trẻ cảm thấy mệt mỏi bất thường mọi lúc; cảm thấy không khỏe; ăn mất ngon, đau bụng, tiêu chảy, ói mửa; đau cơ và khớp.
Theo bác sĩ Phuông, viêm là một phản ứng miễn dịch chung đối với nhiễm trùng hoặc chấn thương. Đây là dấu hiệu cơ thể đang cố gắng chống lại một căn bệnh tiềm ẩn.
Viêm gan ở trẻ em có nhiều nguyên nhân, thường liên quan đến nhiễm virus. Phổ biến nhất trong số này là 5 loại virus viêm gan, gồm viêm gan virus A, B, C, D và E. Các virus khác như adenovirus, CMV, EBV... có thể gây viêm gan, nhưng trường hợp này rất hiếm.
Điều bất thường là trong số hàng trăm ca viêm gan cấp đang được ghi nhận trên thế giới hiện nay, không có bệnh nhân nào mắc một trong 5 loại virus viêm gan phổ biến, khiến các cơ quan y tế công cộng đang phải tập trung tìm kiếm câu trả lời.
Giả thuyết hàng đầu được đặt ra là adenovirus, nhưng lý do này cũng đang được điều tra thêm. Đã có những gợi ý rằng virus gây Covid-19 có thể đứng sau những trường hợp viêm gan này, vì nCoV đã được phát hiện ở một số trẻ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy vaccine ngừa Covid-19 liên quan gì đến sự gia tăng đột biến các ca viêm gan.
Các nhà khoa học cũng đang đặt ra giả thuyết khác đây là một bệnh viêm gan mới do sự tương tác giữa các virus. Bệnh cũng có thể do một loại virus hoàn toàn khác chưa được phát hiện gây ra.
Báo cáo của Anh cho thấy adenovirus, một loại virus phổ biến ở trẻ em, có thể đóng một vai trò nào đó trong đợt bùng phát bệnh viêm gan này. Trong số 53 bệnh nhân ở Anh được xét nghiệm adenovirus, có 40 người dương tính.
Một nghiên cứu ở Mỹ ghi nhận tất cả 9 đứa trẻ viêm gan cấp đều là bệnh nhân tại Children’s of Alabama, không có mối liên hệ dịch tễ học, đều dương tính với adenovirus.
Adenovirus là một bệnh nhiễm virus rất phổ biến ở người, đặc biệt là trẻ em. Gần như mọi đứa trẻ đều bị nhiễm adenovirus ít nhất một lần trước 10 tuổi. Adenovirus type 41 chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa, là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm dạ dày - ruột cấp tính ở trẻ em.
Nếu adenovirus là nguyên nhân của những trường hợp mắc mới hiện nay, có nghĩa một biến thể mới của adenovirus đã xuất hiện dễ gây viêm gan hơn.
Theo bác sĩ Phuông, vấn đề đặt ra là chúng ta có thể làm gì để chống lại nó và giảm thiểu mọi nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Adenovirus lây lan trong không khí và qua tiếp xúc. Cho nên việc rửa tay đối với trẻ em và người lớn, cùng với vệ sinh hô hấp tốt là vô cùng quan trọng để giúp ngăn ngừa adenovirus và các bệnh nhiễm trùng khác có thể gây viêm gan.
Bác sĩ khuyến cáo các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp ở trẻ có thể đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh viện đã phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford triển khai quy trình xét nghiệm Realtime PCR chẩn đoán adenovirus gây viêm gan cấp một cách chuẩn nhất, cho kết quả chính xác nhất có thể.
Theo bác sĩ Hữu Khanh, phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM, nếu trẻ bị vàng da, da sậm màu và các triệu chứng kèm theo như sốt nhẹ, nôn ói, đau bụng... các bậc phụ huynh nên cho trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt các bậc phụ huynh cần chú ý phải hướng dẫn trẻ vệ sinh tay thật sạch sẽ, ăn sạch, uống sạch.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết thêm phần lớn các nghiên cứu hiện nay đều cho rằng gây ra căn bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em là do adenovirus, đây là một hiện tượng mới, không thể gây thành dịch được.
Điều này hoàn toàn trùng hợp với nghiên cứu của WHO cho rằng hiện adenovirus đang được xem là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan cấp ở trẻ em. Tuy nhiên không loại trừ các tác nhân khác vẫn đang được điều tra.
Link nội dung: https://suckhoetoday.com.vn/cac-dau-hieu-canh-bao-viem-gan-bi-an-o-tre-cha-me-can-luu-y-a1949.html