Sáng 26/5, Hội thảo “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?” do Báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Hồng Bàng tổ chức diễn ra tại trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (215 Điện Biên Phủ, Phường 15, Bình Thạnh, TP.HCM).
Nhiều nguyên nhân xảy ra sự cố y khoa
Tại buổi Hội thảo, BS CK2 Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế TP.HCM) cho biết sự cố y khoa là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, sự cố y khoa gây ra nỗi đau cho nhiều gia đình, cơ sở y tế.
Theo bác sĩ Long, sự cố y khoa được phân thành 3 nhóm: Theo mức độ tổn thương, theo nhóm nguyên nhân và theo nhóm sự cố. ngoài ra, sai sót trong sự cố y khoa đến từ lỗi do cá nhân chiếm 30%, lỗi do hệ thống (quản trị, giám sát) chiếm đến 70%.
Trước những tác hại to lớn của sự cố y khoa, bác sĩ Long cho rằng cần có quy trình giám sát, kiểm tra, nhắc nhở tối ưu. Bên cạnh đó, không nên quy chụp lỗi cho nhân viên y tế. Sự cố y khoa là điều không ai mong muốn do đó cần cởi mở với những sai sót, giúp các đồng nghiệp ngành y không lặp lại sai phạm đó.
Chia sẻ một số giải pháp trong giảm thiểu sự cố y khoa, theo bác sĩ Long, cần đơn giản hóa và chuẩn hóa các quy trình kỹ thuật chuyên môn; tập huấn, đào tạo cho đội ngũ nhân viên y tế. Bên cạnh đó, lãnh đạo đơn vị cần kiểm soát thường xuyên, kịp thời, đột xuất, đồng thời trang bị, cải tạo cơ sở vật chất đáp ứng tốt nhu cầu điều trị, chăm sóc người bệnh.
Ngoài ra, cần lưu ý phát huy tinh thần tự nguyện với văn hóa báo cáo sự cố y khoa nhằm đảm bảo an toàn người bệnh, phòng tránh các lỗi sai, giúp cải tiến quy trình, nâng cao khả năng chăm sóc người bệnh.
TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ cho biết sự cố y khoa là các tình huống không mong muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình tương tác giữa nhân viên y tế với người bệnh. Các biểu hiện của sự cố y khoa xuất hiện từ khi có nhu cầu khám chữa bệnh, sử dụng dịch vụ y tế nói chung.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các sự cố y khoa gồm: Chẩn đoán chậm trễ; thiếu trang thiết bị, nhân lực phù hợp; thất bại trong thời gian theo dõi; tác hại do dùng quá nhiều loại thuốc; nhiễm trùng bệnh viện; phẫu thuật sai vị trí; thiếu trang thiết bị; huyết khối tĩnh mạch loét tì đè; sự cố do môi trường tương tác.... Thậm chí một sự cố mất điện đột ngột cũng có thể dẫn đến sự cố y khoa.
Để hạn chế sự cố y khoa, bác sĩ Cường cho rằng các bệnh viện cần thiết lập quy trình chuyên môn, vận hành, đầu tư đầy đủ trang thiết bị, điều kiện làm việc... Nhân viên y tế cần có trình độ chuyên môn tốt, thái độ trung thực, thái độ cầu tiến và nhận biết trước được các sự cố y khoa có thể xảy ra. Đối với người bệnh, cần suy nghĩ thật kỹ trước khi lựa chọn phương pháp điều trị.
Khi xảy ra sự cố y khoa, bệnh nhân cần thông cảm, chia sẻ với khó khăn không thể tiên lượng trước được trong y tế vì sự khác biệt giữa mỗi con người; giữ bình tĩnh và tôn trọng nhân viên y tế. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cần thiết để phối hợp cùng nhân viên y tế phòng ngừa, khắc phục các sự cố y khoa.
Chế tài còn quá nhẹ?
Trong lĩnh vực thẩm mỹ, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung - Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW đã thống kê con số đáng báo động sự cố y khoa trong phẫu thuật thẩm mỹ. Trong 3 năm gần đây, Bệnh viện Thẩm mỹ JW đã tiếp nhận khoảng 511 ca bệnh nhân đến điều trị vì biến chứng trong thẩm mỹ, trong đó phần lớn biến chứng từ tình trạng người dân đi làm đẹp ở cơ sở thẩm mỹ “chui”.
Theo bác sĩ Dung, nhiều trường hợp không phải y bác sĩ, hay người có trình độ y khoa nhưng lại tự ý mở spa, cơ sở làm đẹp để tiêm filler (chất làm đầy), tự ý tổ chức phẫu thuật nâng mũi, nâng ngực… và gây ra những tai biến, những sự cố y khoa đáng tiếc cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, chế tài pháp luật hiện nay là quá nhẹ với các trường hợp thẩm mỹ “chui”, tự ý dùng dao kéo can thiệp vào cơ thể của con người khi không có chuyên môn.
“Để xử lý triệt để vấn đề thẩm mỹ chui, pháp luật cần nghiêm khắc hơn, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp này”, bác sĩ Dung cho biết.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng sự cố y khoa là câu chuyện phong phú, cần hiểu rõ để xử lý và phòng ngừa.
Theo ông Khuê, khi xảy ra sự cố y khoa, bệnh viện tư thì dễ sập tiệm, bệnh viện công thì mang tai tiếng. Do đó, lãnh đạo các bệnh viện cần thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, Cục Khám chữa bệnh để tránh điều đáng tiếc xảy ra.
“Nếu xảy ra sự cố y khoa thì bình tĩnh, nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân”, ông Khuê nói .
Khi xảy ra sự cố y khoa thì phòng Công tác xã hội của các bệnh viện là đầu mối giúp hòa giải giữa gia đình bệnh nhân với bệnh viện. Sự cố này là điều không ai mong muốn, nên cần phải chia sẻ với thầy thuốc, bệnh viện để họ cảm thấy an tâm khi hành nghề chứ không phải bỏ nghề.
“Sự cố y khoa không chỉ ở Việt Nam mà tất cả nước tiên tiến đều xảy ra. Các sinh viên cần hiểu biết thêm về pháp luật, nhà trường cần quan tâm tổ chức nhiều hơn các hội thảo khoa học như thế này để sinh viên tiếp cận thực tế. Thầy thuốc phải được mua bảo hiểm trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho mình”, PGS. TS Lương Ngọc Khuê nói.
Link nội dung: https://suckhoetoday.com.vn/su-co-y-khoa-thuoc-top-10-nguyen-nhan-gay-tu-vong-hang-dau-the-gioi-a1977.html