Tại Việt Nam gần đây, tuổi trung bình của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang dần trẻ hóa, có không ít các trường hợp mắc bệnh khi tuổi đời chưa đến 30.
Theo các bác sĩ, PGS, TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai), nhồi máu cơ tim là một căn bệnh nguy hiểm có thể xảy ra với bất kì ai.
“Người trẻ tuổi cũng có thể gặp phải. Do đó, người trẻ cần đặc biệt lưu ý tới các dấu hiệu của bệnh, không nên chủ quan với các dấu hiệu bất thường của cơ thể. Đây là bệnh lí cấp cứu, tỉ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời. Điều quan trọng là người bệnh cần phải nhận ra các dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim từ sớm và xử trí đúng cách để hạn chế nguy cơ tử vong xuống mức thấp nhất”, TS Hùng cảnh báo.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cho hay, bệnh lí này thường gặp ở các đối tượng trung niên, nam giới, có thói quen hút thuốc lá, lối sống tĩnh tại và tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Việc có không ít các trường hợp mắc bệnh này có độ tuổi khá trẻ, theo các bác sĩ là do lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, áp lực công việc, chủ quan trong việc kiểm soát.
Người trẻ thường không nghĩ mình có thể mắc phải căn bệnh này, nên không nhận biết được các triệu chứng của nhồi máu cơ tim, dẫn đến tình trạng nhập viện muộn, điều trị rất khó khăn và nguy cơ tử vong cao.
Dù nhồi máu cơ tim ở người trẻ thường có tiên lượng tốt hơn so với người già, vì tổn thương thường chỉ một động mạch và sức khỏe chung còn tốt, nhưng hậu quả của nó cũng rất nặng nề, làm giảm tuổi thọ đáng kể cho bệnh nhân.
Theo các chuyên gia tim mạch, triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhất là đau ngực, thường ở giữa xương ức và kéo dài trong một vài phút. Cơn đau cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác như ở sau lưng, trên cổ, trên hàm hoặc vùng dưới dạ dày. Khó thở thường xuất hiện đi kèm với cơn đau ngực.
Người bệnh có thể không trải qua các triệu chứng như mô tả ở trên mà chỉ cảm thấy hơi mệt hoặc thấy khó chịu vùng thượng vị. Khi có những dấu hiệu như trên, hãy đến bệnh viện gần nhất có thể hoặc đến một bệnh viện có trung tâm tim mạch can thiệp.
Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Đơn vị Can thiệp tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) khuyến cáo không nên hút thuốc lá, lên kế hoạch cai thuốc nếu nghiện thuốc; duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học; giữ tinh thần thoải mái, tránh tối đa căng thẳng. Trong trường hợp không thể tự thoát ra khỏi tình trạng stress kéo dài, hãy nhờ tới sự trợ giúp của người thân, bạn bè, bác sĩ tâm lí.
Đặc biệt cần khám sức khỏe định kì, nhất là những người dễ bị nhồi máu cơ tim như mắc bệnh cao huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường, hút thuốc...
Link nội dung: https://suckhoetoday.com.vn/nhieu-benh-nhan-duoi-30-tuoi-bi-nhoi-mau-co-tim-a2002.html