Theo thông báo mới đây từ Bộ Y tế Ấn Độ, sau khi ghi nhận trường hợp mắc 'cúm cà chua' đầu tiên tại Kerala vào ngày 6/5, tới hôm 20/8, đất nước này đã ghi nhận hơn 82 trường hợp cúm cà chua liên quan đến trẻ em dưới 5 tuổi. Ngoài ra, 26 trẻ em từ 10 tuổi trở xuống khác cũng đang trong diện nghi nhiễm.
Theo nghiên cứu, căn bệnh truyền nhiễm này hướng đến đối tượng trẻ em từ 1 đến 5 tuổi và những người mắc chứng suy giảm miễn dịch.
Theo nhóm nghiên cứu từ các bệnh viện cùng đơn vị thành viên của Đại học Leicester - Anh và Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), 2 bệnh nhi là một bé gái 13 tháng tuổi và anh trai 5 tuổi bị phát ban ở tay và chân 1 tuần sau khi trở về từ kỳ nghỉ với gia đình ở Kerala - Ấn Độ vào tháng 5/2022.
Hai cháu bé này có các sang thương da đặc trưng của "cúm cà chua bí ẩn", một căn bệnh xuất hiện đầu tiên ở bang Kerala - Ấn Độ và ảnh hưởng đến nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Trong kỳ nghỉ 1 tháng này, gia đình 2 cháu bé đã được nghe truyền thông địa phương ở Kerala nói về căn bệnh bí ẩn ở trẻ em được gọi là "cúm cà chua".
Các bệnh nhi được đưa đến một phòng cấp cứu nhi khoa, được lấy mẫu virus từ các sang thương để làm xét nghiệm PCR. Kết quả cho thấy cả 2 bé đều dương tính với Enterovirus và âm tính với virus đậu mùa khỉ.
Các nhà khoa học tiếp tục giải trình tự gen Enterovirus trong 2 mẫu bệnh phẩm và xác định nó là Coxsakie A16, một chủng virus gây bệnh tay chân miệng nhẹ. Phân tích phát sinh loài cho thấy trình tự của loại Coxsakie A16 này có chủng tổ tiên gần nhất với một nhánh từ Trung Quốc được ghi nhận trong những năm 2011-2014.
Hầu hết những nhận định ban đầu của các nhà khoa học tin rằng bệnh 'cúm cà chua' chính là một dạng khác của căn bệnh tay chân miệng khá phổ biến ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, cho đến nay, họ vẫn chưa thể đưa ra lời khẳng định chính thức do nguồn gốc chính xác của mầm bệnh vẫn đang tiếp tục được xác minh.
Một điều mà giới chức y tế quốc gia này có thể khẳng định chắc chắn là nguyên nhân gây bệnh 'cúm cà chua' đang lây lan trong cộng đồng người dân ở Ấn Độ không có liên quan tới COVID-19 hay bệnh đậu mùa khỉ.
Các quan chức cảnh báo có thể nhầm lẫn triệu chứng của căn bệnh này với triệu chứng của các bệnh nhiễm virus khác, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi trẻ mắc bệnh thường xuất hiện các dấu hiệu sốt, chán ăn, đau họng, lở loét trong miệng và phát ban trên da, chủ yếu ở bàn tay và bàn chân.
Nếu nghi ngờ nhiễm cúm cà chua, bệnh nhân nên được cách ly trong tối đa 1 tuần để ngăn chặn sự lây lan của virus, theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cúm cà chua hiện chưa có thuốc đặc trị, nhưng các biểu hiện của bệnh tương đối nhẹ và sẽ tự khỏi trong vài ngày. Bệnh nhân được khuyên dùng paracetamol để giảm sốt và đau nhức, uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Có thể chườm nước ấm lên vùng phát ban để giảm kích ứng.
Link nội dung: https://suckhoetoday.com.vn/an-do-xuat-hien-loai-virus-moi-gay-benh-cum-ca-chua-a2141.html