Được biết, vào ngày 03/8/2022 Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội ban hành Công văn số 1109/KNTMPTP-KHTCKT kèm phiếu kiểm nghiệm số 2127/KNT - 22 báo cáo về mẫu sản phẩm trên nhãn ghi Viên nén dài bao phim Cefuroxim 500, SĐK: VD - 27836-17, lô SX: 71240820, NSX: 240820, HD: 240823 do Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long sản xuất và phát hiện bị làm giả.
Mẫu thuốc này do Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội lấy tại Công ty TNHH Dược phẩm Đa Phúc - Thôn 5, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Mẫu sản phẩm trên có hình thức nhãn và hình thức viên không giống mẫu thuốc thật (hình ảnh kèm theo); không có phản ứng định tính Cefuroxim, có phản ứng định tính với Paracetamol, hàm lượng Paracetamol là 319,2 mg/viên.
Sau khi đối chiếu, xem xét, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành: Thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thông tin về thuốc giả trên nhãn ghi: Viên nén dài bao phim CEFUROXIM 500, SĐK: VD-27836- 17, lô SX: 71240820, NSX: 240820, HD: 240823; Cơ sở sản xuất: Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (tên doanh nghiệp có có thuốc bị làm giả thương hiệu). Các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt với thuốc thật như sau:
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm CEFUROXIM 500 giả có các dấu hiệu nhận biết nêu trên.
Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn; xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về sản phẩm CEFUROXIM 500 giả nêu trên, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành; kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc CEFUROXIM 500 giả. Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm và nguồn gốc lô thuốc giả về Cục Quản lý Dược.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội cho biết: “Để kết luận về thuốc giả là thuộc thẩm quyền của Sở Y tế Hà Nội và Thanh tra Sở Y tế. Còn phía Trung tâm kiểm nghiệm chỉ có chức năng lấy mẫu. Vì vậy, khi nhận được thông tin; Trung tâm kiểm nghiệm và Thanh tra Dược Sở Y tế Hà Nội phối hợp thực hiện lấy mẫu, trong vòng 24h có kết quả gửi báo cáo Sở Y tế. Sau đó Thanh tra Dược Sở Y tế, Cục Quản lý Dược mới đưa ra kết luận sản phẩm thuốc đó là giả hay thật.
Còn về thông tin của lô thuốc kháng sinh Cefuroxim 500 thu được tại Công ty TNHH Dược phẩm Đa Phúc thì Trung tâm kiểm nghiệm không biết, không cung cấp được".
Chánh Thanh Tra sở Y tế Hà Nội - ông Nguyễn Việt Cường cho hay: “Cơ quan này thu được số lượng hơn 1000 hộp thuốc kháng sinh Cefuroxim 500 giả tại Công ty TNHH Dược Phẩm Đa Phúc. Hiện vụ việc đã được đơn vị này báo cáo Bộ Y tế và chuyển hồ sơ qua Cơ quan cảnh sát điều tra PC03 Công an thành phố Hà Nội".
Hiện Công ty TNHH Dược Phẩm Đa Phúc chưa có phản hồi về sự việc này.
Liên quan đến vấn đề thuốc và thực phẩm chức năng giả, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thuốc và thực phẩm chức năng bị làm giả gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp làm ăn chân chính; quyền lợi người tiêu dùng; uy tín của nền kinh tế Việt Nam; đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe và cơ hội chữa bệnh của người tiêu dùng, hệ lụy để lại cho mỗi người và toàn xã hội.
Chỉ ra nguyên nhân của hành vi làm giả thuốc và thực phẩm chức năng, theo ông Nguyễn Đức Lê: Thứ nhất, lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả là rất lớn; thứ hai, ý thức của người tiêu dùng chưa cao, vẫn tự ý mua thuốc không qua kê đơn tại các hiệu thuốc hoặc trên các chợ mạng; thứ ba, thương mại điện tử phát triển vượt bậc dẫn đến các đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
Thứ tư, việc giám định thuốc hoặc thực phẩm chức năng đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian dài để thẩm tra, xác minh; thứ năm, sự vào cuộc của doanh nghiệp, Hiệp hội có liên quan chưa cao, chưa đồng bộ, xuyên suốt; thứ năm, lực lượng quản lý thị trường còn cần được đào tạo chuyên sâu về kiến thức liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng cũng như thông tin kịp thời về thuốc, thực phẩm chức năng giả hoặc xâm phạm quyền.
“Riêng ngành dược, trong đó có thuốc và thực phẩm chức năng là các sản phẩm mang tính chất đặc thù. Bằng phương pháp thông thường, chúng tôi không thể dễ dàng phát hiện thật giả một cách chính xác. Việc kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật giả của một sản phẩm. Tuy nhiên, chúng ta cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc và thực phẩm chức năng giả trên thị trường.
Bên cạnh đó, mặc dù lực lượng Quản lý thị trường được phân bổ rộng rãi trên khắp cả nước nhưng vẫn không đủ để đối đầu với đối tượng gian lận với số lượng đông đảo và ngày càng tinh vi, đến từ các ngành nghề khác nhau. Nói một các khác, lực lượng biên chế quản lý quá mỏng, dẫn đến việc phát hiện, xử lý, chống hàng giả còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế trên thực tế...”, ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.
Link nội dung: https://suckhoetoday.com.vn/ha-noi-phat-hien-mau-thuoc-cefuroxim-500-gia-tai-cong-ty-tnhh-duoc-pham-da-phuc-a2148.html