Dậy thì sớm ở trẻ ngày càng trở nên phổ biến

SKTD- Dậy thì sớm ở trẻ ngày càng trở nên phổ biến và ảnh hưởng lớn tới sự phát triển thể chất, tâm sinh lý, khiến trẻ tự ti về ngoại hình và tăng nguy cơ lạm dụng tình dục ở trẻ.

Từ tháng 12/2024, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang bắt đầu triển khai điều trị dậy thì sớm cho trẻ bằng phương pháp tiêm thuốc làm dừng quá trình sản xuất hormone sinh dục do đó làm chậm hoặc ngừng bệnh dậy thì sớm. Điều này đã mang lại nhiều thuận lợi cho gia đình bệnh nhi khi không phải chuyển tuyến Trung ương điều trị, giúp tiết kiệm chi phí khám, chữa bệnh và góp phần bảo vệ sức khỏe cũng như tâm sinh lý cho trẻ. Cho tới thời điểm hiện tại, Bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho 11 bé gái trong độ tuổi từ 7 - 9 tuổi bị dậy thì sớm.

1. Dậy thi sớm là gì?

Dậy thì sớm là tình trạng trẻ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu tăng trưởng về mặt thể chất và các đặc tính sinh dục thứ phát sớm hơn bình thường (trước 08 tuổi ở bé gái và trước 09 tuổi ở bé trai). Theo thống kê, nguy cơ dậy thì sớm ở bé gái cao gấp 10 lần so với bé trai. Nguy cơ này sẽ tăng cao hơn khi trẻ bị béo phì.

* Biểu hiện dậy thì sớm ở bé gái:

Khi bé gái bị dậy thì sớm, tuyến sinh dục và tuyến thượng thận sẽ bắt đầu giải phóng hormone, từ đó gây ra những thay đổi trong cơ thể với các biểu hiện đặc trưng như:

day-thi-som-1-1734405876.jpg

Trẻ được tiêm thuốc điều trị dậy thì sớm

 

- Vú phát triển

- Bắt đầu có mùi cơ thể

- Mọc lông nách

- Mọc lông mu

- Xuất hiện mụn trứng cá

- Xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên (thường xảy ra sau 2 - 3 năm khi trẻ bắt đầu phát triển ngực).

- Chiều cao tăng vọt so với bạn bè cùng trang lứa.

* Biểu hiện dậy thì sớm ở bé trai với các dấu hiệu đặc trưng như:

- Chiều cao tăng nhanh trong thời gian ngắn

- Bắt đầu có mùi cơ thể

- Vỡ giọng

- Lông nách, lông vùng kín mọc nhiều

- Tăng kích thước tinh hoàn và dương vật

- Xuất hiện nhiều mụn trứng cá

- Mọc ria mép.

Dậy thì sớm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của trẻ. Vì vậy, khi thấy trẻ có các dấu hiệu dậy thì sớm, các bậc phụ huynh không nên chủ quan mà hãy chủ động chia sẻ, động viên, hỗ trợ các vấn đề trẻ gặp phải và đưa trẻ tới thăm khám bác sỹ chuyên khoa để điều trị sớm cho trẻ.

2. Nguyên nhân trẻ bị dậy thì sớm?

Trẻ bị dậy thì sớm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do bệnh lý (trẻ có khối u ở buồng trứng, tuyến thượng thận, tuyến yên hoặc não bộ; trẻ mắc các bệnh lý về hệ thần kinh trung ương; trẻ mắc một số hội chứng di truyền hiếm gặp…) hay do chế độ dinh dưỡng không hợp lý (trẻ ăn nhiều các loại thực phẩm có tác dụng kích thích tăng trưởng…). Một số trường hợp trẻ dậy thì sớm không xác định được nguyên nhân.

3. Một số ảnh hưởng của dậy thì sớm tới sức khỏe và tâm lý của trẻ bao gồm:

- Hạn chế về chiều cao: Trẻ dậy thì sớm nhanh chóng trở nên cao lớn hơn so với bạn bè cùng trang lứa nhưng điều này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Sau đó, chiều cao của trẻ sẽ không còn tăng nữa bởi các sụn đầu xương cốt hóa sớm. Hơn nữa, dậy thì sớm còn tác động đến các yếu tố khác như hormone tăng trưởng, khả năng hấp thụ canxi của cơ thể,…

- Tâm lý, hành vi bị ảnh hưởng tiêu cực: Dậy thì sớm khiến trẻ thấy mặc cảm, tự ti và lo lắng hơn khi cơ thể có nhiều điểm khác biệt so với bạn bè.

- Ảnh hưởng sức khỏe sinh sản: Trẻ dậy thì sớm chưa được hướng dẫn về cách vệ sinh, chăm sóc cơ thể đúng cách nên sẽ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản. Hơn nữa, trẻ có thể bị lạm dụng/xâm hại tình dục do chưa có đủ nhận thức về sự thay đổi của cơ thể. Điều này cũng khiến nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở trẻ tăng cao.

- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính trong tương lai: Dậy thì sớm ở bé trai khiến trẻ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến huyết áp, tim mạch, ung thư, đột quỵ…

4. Chẩn đoán dậy thì sớm:

Bên cạnh các dấu hiệu về sự thay đổi của cơ thể, trẻ bị dậy thì sớm thường sẽ được bác sỹ chỉ định thực hiện một số phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác tình trạng này như:

- Xét nghiệm nội tiết

- Siêu âm tuyến vú

- Siêu âm tử cung - buồng trứng

- Siêu âm tuyến thượng thận

- Chụp X-quang tuổi xương

- Chụp Cộng hưởng từ MRI.

5. Lợi ích của việc điều trị dậy thì sớm:

Việc điều trị dậy thì sớm tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang mang lại nhiều lợi ích cho trẻ như:

- Giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu: Ngừng hoặc làm chậm quá trình dậy thì sớm giúp trẻ phát triển chiều cao đầy đủ, đạt được chiều cao lý tưởng khi trưởng thành.

- Bảo vệ sự phát triển tâm lý của trẻ: Dây thì sớm có thể khiến trẻ tự ti, khó chịu với những thay đổi sinh lý nhanh chóng mà các bạn đồng trang lứa chưa trải qua. Điều này có thể dẫn đến tình trạng lo âu hoặc khó khăn trong việc hoà nhập với bạn bè. Điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ có sự phát triển sinh lý và tâm lý bình thường.

- Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan tới sự phát triển sớm: Điều trị dậy thì sớm sẽ giúp hạn chế những tác động tiêu cực tới sức khoẻ của trẻ, giúp trẻ phát triển khoẻ mạnh và duy trì sự cân bằng nội tiết trong cơ thể.

- Bảo vệ sức khoẻ sinh sản của trẻ: Dậy thì sớm có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của buồng trứng ở bé gái hoặc tinh hoàn ở bé trai, điều này có thể gây rối loạn chức năng sinh sản. Điều trị sớm sẽ giúp bảo vệ sức khoẻ sinh sản của trẻ sau này.

- Cải thiện chất lượng cuộc sống và sự tự tin của trẻ: Điều trị dậy thì sớm giúp giảm bớt các vấn đề về sức khoẻ thể chất và tinh thần cho trẻ. Trẻ sẽ không còn lo lắng về những thay đổi bất ngờ của cơ thể mà tập trung học tập tốt hơn, hoà nhập cùng các bạn đồng trang lứa; đồng thời cũng giảm nguy cơ bị xâm hại tình dục.

6. Cách phòng tránh dậy thì sớm cho trẻ:

Dậy thì sớm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, thậm chí nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh có thể giảm nguy cơ dậy thì sớm cho trẻ bằng cách thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:

- Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học, phù hợp độ tuổi. Cho trẻ ăn nhiều rau xanh nhưng lưu ý tránh cho trẻ ăn các loại trái cây, rau củ trái mùa, biến đổi gen.

- Kiểm soát cân nặng của trẻ, tránh để trẻ thừa cân, béo phì: Một số nghiên cứu cho thấy béo phì là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ.

- Cho trẻ thăm khám sức khỏe định kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

- Không cho trẻ sử dụng bất kỳ loại thuốc nào có tác dụng kích thích tăng trưởng, tăng chiều cao, thực phẩm chức năng… khi không có chỉ định từ các bác sỹ. Không cho trẻ sử dụng mỹ phẩm làm đẹp sớm và tránh cho trẻ tiếp xúc với những sản phẩm ảnh hưởng đến nội tiết tố sinh dục của trẻ.

- Không cho trẻ xem phim/ảnh, tiếp cận những thông tin không phù hợp với lứa tuổi.

- Tập cho trẻ thói quen rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên nhằm nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch.

7. Các phương pháp điều trị dậy thì sớm cho trẻ:

Tùy thuộc vào nguyên nhân và từng trường hợp cụ thể, bác sỹ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho từng trẻ, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tâm lý của trẻ. Hiện nay, trẻ bị dậy thì sớm thường sẽ được điều trị bằng 1 trong 2 phương pháp sau:

- Tìm kiếm và điều trị nguyên nhân cơ bản hoặc bệnh lý gây dậy thì sớm.

- Điều chỉnh nồng độ hormone giới tính bằng thuốc đồng vận LHRH hoặc đồng vận GnRH (GnRHa). Thuốc này tạo ra hiệu ứng sinh học trên tuyến yên, dẫn đến ngắt tín hiệu từ não đến buồng trứng hoặc tinh hoàn, làm dừng quá trình sản xuất hocmone sinh dục do đó làm chậm hoặc ngừng bệnh dậy thì sớm.

+ Thuốc thường có 2 loại: tiêm 1 mũi tác dụng kéo dài trong 28 ngày hoặc tiêm một mũi tác dụng kéo dài trong 3 tháng. Các bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh của từng trẻ sau khi đã trao đổi với gia đình.

+ Trong khoảng 2 tuần sau mũi tiêm đầu tiên, một vài triệu chứng có thể xuất hiện như: thay đổi tính khí, tăng nhẹ kích thước tuyến vú và ra máu âm đạo nhẹ. Những triệu chứng này có thể biến mất sau vài tuần. Điều trị thường xuyên và chính xác theo hướng dẫn của bác sỹ để đạt hiệu quả tốt nhất. Việc điều trị sẽ kết thúc khi trẻ được 10 - 11 tuổi hoặc sớm hơn tuỳ từng bé. Khi dừng quá trình điều trị, hormone sinh dục được cơ thể sản xuất trở lại và quá trình dậy thì bình thường sẽ lại bắt đầu. Sau khoảng 12 - 18 tháng ngừng điều trị thì bé gái bắt đầu có kinh nguyệt hoặc có kinh nguyệt trở lại.

Mạnh Hà/Suckhoecongdongonline

Link nội dung: https://suckhoetoday.com.vn/day-thi-som-o-tre-ngay-cang-tro-nen-pho-bien-a2430.html