Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ mang ý nghĩa đặc biệt

Chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris rất đặc biệt, là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của nhân vật quyền lực số hai của nước Mỹ đến khu vực, diễn ra vào thời điểm Mỹ đang triển khai chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris rất đặc biệt, là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của nhân vật quyền lực số hai của nước Mỹ đến khu vực, diễn ra vào thời điểm Mỹ đang triển khai chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Chuyên cơ Không lực Hai hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, thủ đô Hà Nội lúc 22h ngày 24/8, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris

Từ khi xác lập khuôn khổ Đối tác toàn diện vào năm 2013, quan hệ Việt - Mỹ ngày càng được mở rộng cả về lĩnh vực hợp tác và chiều sâu.

Trong những năm qua, hai bên thường xuyên có những trao đổi ở cấp cao. Từ khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao, các đời tổng thống Mỹ trước đây đều đã đến Việt Nam. Việt Nam cũng có nhiều chuyến thăm cấp cao sang Mỹ. Lần này, ngay trong những tháng đầu nhiệm kỳ chính quyền Biden, Phó Tổng thống Harris sang Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Joe Biden không xa lạ gì với khu vực và với Việt Nam. Nhìn lại tháng 7/2015, ông là người cùng Tổng thống Barack Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Cũng dịp đó, ông Biden là người chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Từ khi ông Biden trở thành tổng thống, quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tháng 2 năm nay, đích thân Tổng thống Biden gửi thư chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử và chúc mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây là câu chuyện rất đặc biệt trong quan hệ hai nước.

Hai bên cũng liên tục có những cuộc tham vấn và điện đàm, như ở cấp bộ trưởng ngoại giao, kinh tế, công thương. Khúc mắc trong quan hệ hai nước, như vấn đề Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ đã được chính quyền Biden dừng lại để hai bên tham vấn, tiến đến việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính Mỹ trong tháng 7 vừa qua đạt được thoả thuận để xử lý thoả đáng vấn đề, vì lợi ích của cả hai bên. Trên cơ sở thoả thuận đó, đại diện thương mại Mỹ quyết định không áp bất cứ hình thức hạn chế nào với thương mại hai nước.

Mỹ rất coi trọng vai trò của Việt Nam trong khu vực và tham vấn Việt Nam thường xuyên trong các vấn đề liên quan đến ASEAN, Biển Đông, Mekong, Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Biden mời lãnh đạo 40 quốc gia dự hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam. Điều đó cho thấy Việt Nam là nước tích cực trong vấn đề biến đổi khí hậu và Mỹ coi trọng vị thế của Việt Nam. Trước bà Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Autin vừa có chuyến thăm Việt Nam trong tháng 7.

Quan hệ Việt - Mỹ ngày càng phát triển theo chiều dài lịch sử, cả về chính trị, kinh tế, văn hoá và an ninh quốc phòng. Đến thời Tổng thống Biden tiếp tục đà đó và còn phát triển hơn nữa.

Thông điệp song phương và khu vực

Chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ khá đặc biệt. Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của nhân vật quyền lực số hai của nước Mỹ. Trong châu Á - Thái Bình Dương, bà chọn Đông Nam Á; trong Đông Nam Á, chỉ chọn 2 nước Singapore và Việt Nam. Rõ ràng trong thông điệp chung của Mỹ về sự gắn bó với Ấn Độ - Thái Bình Dương, họ rất coi trọng Đông Nam Á, nghĩa là ASEAN. Trong ASEAN, Mỹ coi trọng một số đối tác.

Thông báo của Nhà Trắng đưa ra hôm 30/7 về chuyến thăm này cũng nói rất rõ, rằng họ coi Singapore và Việt Nam là hai đối tác quan trọng hàng đầu ở Ấn Độ - Thái Bình Dương vì hoà bình, an ninh, thịnh vượng và trật tự dựa trên luật lệ. Chuyến thăm của bà Harris đến Việt Nam có cả thông điệp về quan hệ song phương và thông điệp khu vực.

Trong thời gian thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Harris dự kiến sẽ có những cuộc hội đàm và hội kiến với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, dự lễ khai trương văn phòng Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ tại Đông Nam Á và một số hoạt động khác.

Với quan hệ song phương, Mỹ muốn trao đổi một loạt vấn đề hai bên có thể làm sâu sắc hơn, nâng tầm quan hệ Đối tác toàn diện, nhấn mạnh khía cạnh hợp tác phòng, chống dịch bệnh, hồi phục sau đại dịch, duy trì tính bền vững của chuỗi cung ứng…

Ngay cả việc khai trương văn phòng CDC Đông Nam Á tại Việt Nam cũng là cách để kết nối với Việt Nam và khu vực. Hai bên chắc chắn chia sẻ những vấn đề chung của khu vực, trong đó có quan điểm về một khu vực hoà bình, an ninh, thịnh vượng và dựa trên luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng rất ủng hộ và có sự song trùng lợi ích.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động và mong muốn tất cả các nước lớn, các trung tâm kinh tế chính trị lớn tham gia hợp tác xây dựng ở đây. Với ASEAN và các nước trong ASEAN, Mỹ là một đối tác rất quan trọng. ASEAN muốn Mỹ hợp tác cả về an ninh và kinh tế.

Có thể Mỹ sẽ nhấn mạnh vấn đề hợp tác khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng vì đại dịch, hợp tác về biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, chống nước biển dâng, khí hoá lỏng…

Một chuyến thăm có ý nghĩa như vậy vào thời điểm Mỹ đang triển khai chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy sự coi trọng đối với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đoàn Mỹ lần này không chỉ đến với những cam kết mà có những sáng kiến và hành động cụ thể để hai bên phối hợp với nhau. Hãy chờ xem kết quả cuối cùng là những sáng kiến là gì, sau khi họ đã đưa ra hàng loạt sáng kiến ở Singapore về an ninh mạng, y tế, vắc-xin, không gian, chuỗi cung ứng…

PHẠM QUANG VINH (Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014-2018)

Link nội dung: https://suckhoetoday.com.vn/chuyen-tham-cua-pho-tong-thong-my-mang-y-nghia-dac-biet-a633.html