Ngày 29/8, Bộ Y tế đã bổ sung thêm thông tin về tài liệu hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà, trong đó nhấn mạnh 2 điều kiện để F0 được cách ly tại nhà.
2 điều kiện để F0 được cách ly tại nhà
Cụ thể, trong Trong tài liệu hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà, Bộ Y tế quy định F0 đủ các điều kiện dưới đây sẽ được cơ quan có trách nhiệm ra quyết định cách ly, theo dõi tại nhà:
Căn cứ mức độ bệnh và đặc điểm của F0
- Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ, gồm: Không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút.
- Độ tuổi: Trên 12 tháng và dưới 50 tuổi.
- Bệnh, thể trạng kèm theo: Không có bệnh nền.
- Không đang mang thai.
Bệnh nhân có thể tự chăm sóc bản thân
- F0 có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân…
- Biết cách đo thân nhiệt.
- Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát. Khi có tình trạng cấp cứu, có sẵn và sử dụng được các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…
- Có khả năng tự dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.
Nếu người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình bệnh nhân phải có người khỏe mạnh, đủ kiến thức chăm sóc F0, biết cách phòng ngừa lây nhiễm để hỗ trợ. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng yêu cầu hạn chế người chăm sóc.
Đồng thời, khi trong gia đình có người mắc COVID-19, các thành viên phải tự cách ly tại nhà để tránh lan cho cộng đồng, bởi lúc này, họ cũng có nguy cơ bị lây nhiễm.
Với những gia đình có F0 cách ly tại nhà, các thành viên cùng sinh sống không cần lo lắng mà cần tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và tích trữ thực phẩm. Chính quyền địa phương, người thân và các lực lượng, tổ chức sẽ giúp đỡ gia đình bệnh nhân trong thời gian cách ly tại nhà.
Theo BSCKI Tống Hồ Tứ Phương, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 (TP HCM), bệnh nhân COVID-19 thường trở nặng từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 10 của bệnh.
Đặc biệt, bệnh dễ diễn tiến nặng với những người có cơ địa béo phì, bệnh nền, bệnh mạn tính (cao huyết áp, tiểu đường, bệnh hệ thống, suy gan thận...) và người trên 50 tuổi. Tuy vậy, gần đây vẫn có nhiều bệnh nhân trẻ chuyển nặng cần thở oxy.
Cũng theo BS Tứ Phương, vì là bệnh do virus, nên nếu người mắc COVID19 ít yếu tố nguy cơ (già, bệnh nền, béo phì...), chúng ta sẽ vượt qua được mà không cần nhập viện.
"Người nhiễm SARS-CoV-2 chỉ cần điều trị triệu chứng: bị cái gì, uống thuốc trị cái đó. Nhưng nếu diễn tiến xấu, có tổn thương phổi như: thở mệt, khó thở, thở nhanh > 20 lần/phút, hoặc SpO2 <=95% (chỉ số SpO2 bình thường là 99%), bệnh nhân phải được xử trí sớm tại chỗ và nhập viện để theo dõi, điều trị tiếp"- BS Tứ Phương chia sẻ.
Trước đó, Sở Y tế TP HCM cũng đưa ra hướng dẫn về 3 gói thuốc được sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà như sau:
Gói thuốc A: Thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng:
- Paracetamol 500mg: Uống 01 viên khi sốt trên 38°C, có thể lặp lại mỗi 04 - 06 giờ nếu vẫn còn sốt.
- Các loại vitamin như vitamin tổng hợp hoặc vitamin C: Uống ngày 02 lần: Sáng 01 viên, chiều 01 viên.
Gói thuốc B: Những thuốc sử dụng hạn chế trong một số tình huống đặc biệt gồm thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông. Dùng gói thuốc này nếu thấy khó thở (nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo Sp02 dưới 95%)
Khi đó, cần phải liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ. Nếu chưa liên hệ được thì uống thêm:
- Thuốc kháng viêm Dexamethasone 0,5mg: Uống ngày 01 lần, sáng 12 viên sau khi ăn (tương đương 06 mg/ngày) hoặc Methylprednisolone 16mg ngày hai lần, sáng 01 viên, chiều 01 viên sau khi ăn (tương đương 32mg/ngày).
- Thuốc kháng đông Rivaroxaban 10mg ngày uống một lần 01 viên vào buổi sáng hoặc Apixaban 2,5mg, uống ngày 02 lần sáng 01 viên, chiều 01 viên hoặc Dabigatran 110 mg, uống ngày 02 lần, sáng 01 viên, chiều 01 viên.
Lưu ý: Thời gian tự uống không quá 03 ngày. Trong thời gian này, tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ, tùy tình trạng sức khỏe để bác sĩ quyết định có tiếp tục dùng nữa không. Và hai thuốc này không sử dụng cho:
- Phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú;
- Người mắc một trong các bệnh: Viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu, các bệnh lý dễ gây chảy máu khác.
Gói thuốc C (dùng trong 05 ngày) là thuốc kháng vi rút, được kiểm soát đặc biệt với F0 có triệu chứng nhẹ. Đồng thời, người bệnh phải ký giấy cam kết sử dụng thuốc để được cấp phát và sử dụng.
Gói này gồm thuốc Molnupiravir viên 200mg hoặc viên 400mg: Uống ngày 02 lần: Sáng 800mg, chiều 800mg, uống 05 ngày liên tục.
Lưu ý: Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người bệnh đang sử dụng Molnupiravir nếu cần phải uống thuốc kháng viêm hoặc kháng đông như ở trên thì ngưng sử dụng thuốc Molnupiravirv.
Quỳnh Chi - SHTT
Link nội dung: https://suckhoetoday.com.vn/bo-y-te-ra-huong-dan-ve-2-dieu-kien-de-f0-duoc-cach-ly-tai-nha-a754.html