Vì sao TPHCM cần thêm 2 tuần kiểm soát dịch?

Trao đổi với báo chí bên lề buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ về công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết lý do thành phố cần thêm 2 tuần để kiểm soát dịch COVID-19.

Trao đổi với báo chí bên lề buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ về công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết lý do thành phố cần thêm 2 tuần để kiểm soát dịch COVID-19.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết thời gian qua, thành phố đã nỗ lực bằng nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch trước 15/9 như tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ. Sau thời gian giãn cách triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, những nỗ lực bước đầu của TPHCM đã có hiệu quả. Hai huyện Củ Chi, Cần Giờ, quận 7 và một số nơi đã tiệm cận với tiêu chí của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, nhiều nơi tại TPHCM vẫn chưa đạt được mục tiêu kiểm soát dịch theo các tiêu chí trên. Thành phố chưa đạt được sự ổn định về dịch tễ tại các địa phương nên cần thêm thời gian cho đến khi có sự ổn định để chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.

Tối 11/9, tại hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM mở rộng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá có thể TPHCM không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. TPHCM phải xin thêm thời gian, có thể đến hết tháng 9 để tập trung thực hiện các mục tiêu kiểm soát dịch. Ông Nên đã giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM thảo luận và có văn bản sớm xin ý kiến của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, thêm 2 tuần kiểm soát dịch COVID-19 cũng là khung thời gian quan trọng và phù hợp với quy luật của dịch bệnh. TPHCM đang có hơn 100.000 F0 cần quản lý, điều trị. Sau 2 tuần, số F0 nói trên có thể được kéo giảm, đồng nghĩa việc thành phố sẽ hạn chế và ngăn chặn được nguồn lây lan. Mặt khác, thành phố đang có tỷ lệ người dân được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ở mức cao. Sau 2 tuần, kháng thể của những người đã tiêm chủng được nâng lên, đạt hiệu quả cao hơn về mặt dịch tễ.

“Với 2 lý do đó, cùng với các biện pháp khác nhằm ổn định tình hình, như tăng cường, nâng cao chất lượng điều trị, chắc chắn thành phố sẽ có kết quả kiểm soát dịch khả quan hơn so với hiện nay”, ông Nên khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Nên lo ngại những người chưa được tiêm vắc-xin. Người chưa được tiêm chủng thường chưa đủ điều kiện hoặc chưa đáp ứng được yếu tố dịch tễ để tiêm. Đây là nhóm có sức đề kháng yếu, rất dễ bị lây nhiễm dịch bệnh và dễ chuyển nặng khi đã mắc COVID-19.

Về biện pháp giãn cách xã hội sau ngày 15/9, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết tùy vào hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhiều khả năng số khu vực đang giãn cách theo Chỉ thị 16 sẽ được thu hẹp. Những nơi đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh sẽ được nới lỏng giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tồn tại, để tiến đến điều kiện thực hiện trạng thái “bình thường mới”, TPHCM chuẩn bị những chiến lược cụ thể để đạt “mục tiêu kép”, từng bước mở lại các hoạt động. Chiến lược của TPHCM bao gồm các trụ cột về y tế, an sinh xã hội, khoa học công nghệ, huy động nguồn lực, an ninh quốc phòng, dân vận, hệ thống chính trị...

“Chúng ta xác định phải sống trong thời kỳ này dài hơn vì không thể quét sạch F0 trong một thời gian nhất định, cũng không thể thực hiện giãn cách nghiêm ngặt kéo dài. Thành phố đang tính toán từng bước bằng các chiến lược đảm bảo an toàn. An toàn mới mở cửa và khi mở thì phải an toàn”, ông Nên nhấn mạnh.

Theo Tiền Phong Online

Link nội dung: https://suckhoetoday.com.vn/vi-sao-tphcm-can-them-2-tuan-kiem-soat-dich-a949.html