Cụ thể, trong lúc tuần tra kiểm soát chống buôn lậu trên địa bàn TP. Châu Đốc, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu phát hiện một đối tượng điều khiển xe mô tô di chuyển trên đoạn tỉnh lộ 995A, khóm Vĩnh Chánh, phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc có biểu hiện nghi vấn. Do đó, lực lượng đã yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra.
Bị tổ công tác chống buôn lậu yêu cầu dừng xe để kiểm tra, đối tượng liền tăng ga bỏ chạy, đồng thời ném bỏ thùng giấy bên trong chứa 30.000 viên thuốc tân dược nghi nhập lậu rồi tẩu thoát.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong thùng giấy mà đối tượng bỏ lại có chứa 3.000 vỉ tương đương 30.000 viên thuốc tân dược hiệu Bromalex (loại 6mg) xuất xứ nước ngoài, nghi vấn thuốc nhập lậu. Tổng giá trị giá hàng hoá ước tính khoảng 135 triệu đồng.
Tổ công tác bàn giao vụ việc cho Công an thành phố Châu Đốc lập biên bản tạm giữ số thuốc tân dược trên để tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ xử lý theo quy định.
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đã phát hiện nhiều loại thuốc giả lưu hành trên thị trường.
Theo các chuyên gia y tế, tuy thuốc giả chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trên thị trường dược phẩm, nhưng điều đáng sợ là nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Nếu thuốc giả không chứa dược chất hoặc chứa dược chất nhưng không đủ hàm lượng, người bệnh dùng sẽ không chữa được bệnh, làm bệnh nặng thêm và có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt với các bệnh không lây nhiễm như ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp...
Nguy hiểm hơn, có loại thuốc giả chứa độc chất nguy hiểm, kim loại nặng khiến người bệnh dùng bị tai biến (như trường hợp thuốc giả mạo là đông dược trộn thuốc corticoid gây các tai biến trầm trọng), hoặc gây chết người.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các ngành tăng cường việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn đảm bảo kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới người dân biết để không mua thuốc qua các thông tin trên mạng internet, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của thuốc.
Thuốc là hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị bệnh cũng như sự an toàn, sức khỏe của người dân. Chính vì vậy, việc kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc sản xuất, nhập khẩu, lưu thông là đòi hỏi bức thiết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hệ thống các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm soát chất lượng thuốc ở cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm, đồng thời xử phạt nghiêm những doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối thuốc kém chất lượng
Trong khi chờ các cơ quan quản lý vào cuộc gắt gao hơn nhằm kiểm soát tốt chất lượng thuốc chữa bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo để bảo đảm mua được thuốc tốt, giá rẻ, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, khi mua thuốc cần khám bệnh, kê đơn, mua thuốc ở những cơ sở lớn, có tên tuổi, xem kỹ thời hạn sử dụng ghi trên sản phẩm, ghi nhớ thông tin về những loại thuốc đã bị làm giả và kém chất lượng do cơ quan quản lý dược công bố để khỏi hứng chịu cảnh “tiền mất tật mang”.