Thời gian qua, qua công tác hậu kiểm, Cục Quản lý dược đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh dược có vi phạm về việc “bán buôn thuốc thành phẩm cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc”, trong đó có các thuốc hạn dùng còn lại ngắn. Điều này tạo điều kiện cho một số đối tượng có hành vi tẩy xóa, thay đổi hạn dùng của thuốc để đưa ra lưu hành trên thị trường.
Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng phục vụ công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh do Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường triển khai phổ biến cho các cơ sở kinh doanh dược đóng trên địa bàn các quy định pháp luật về dược, các nguyên tắc tiêu chuẩn GPs, quy định về quản lý chất lượng thuốc; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp dược trên địa bàn phải tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh dược.
Cục Quản lý Dược đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng, hạn dùng thuốc trước khi đưa ra thị trường; "chỉ bán thuốc cho cơ sở kinh doanh dược có đầy đủ giấy phép" theo quy định.
Thời gian qua, Bộ Y tế cũng liên tục cảnh báo thuốc giả, đặc biệt là thuốc trị Covid giả. Một số tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc phòng chống Covid-19 không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc được quảng cáo không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Một số đơn vị "lợi dụng tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi".
Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội và Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện hàng trăm hộp "thuốc điều trị Covid-19" không rõ nguồn gốc. Chủ cơ sở khai "không biết gì về y dược", mua các hộp thuốc "trôi nổi" với giá 100.000 đến hai triệu đồng, về rao bán giá gấp đôi để kiếm lời.