Cảnh báo tình trạng thực phẩm chay không rõ nguồn gốc tràn lan thị trường

Trần Hoàng Quang

SKTD - Những năm gần đây, do nhu cầu đa dạng của xã hội, xu hướng ăn chay ngày càng thịnh hành, kéo theo thực phẩm chay ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay lại xuất hiện tình trạng thực phẩm chay không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Hiện tại, ngày càng có nhiều người lựa chọn thực phẩm chay để sử dụng hàng ngày như một cách để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, nắm bắt được nhu cầu này nhiều hộ gia đình, cá nhân bắt tay vào sản xuất thực phẩm chay chế biến sẵn. Không chỉ cá nhân và hộ kinh doanh cá thể, hàng loạt doanh nghiệp cũng nhìn thấy tiềm năng phát triển của thị trường sôi động này. Nhanh chóng, hàng trăm sản phẩm chay được tung ra thị trường với mức giá không hề rẻ dù chất lượng chưa được kiểm định rõ ràng.

Có thể thấy, trên địa bàn nhiều tỉnh thành xuất hiện các cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm chay. Khảo sát tại các chợ đầu mối và dân sinh…, không khó để tìm thấy những sản phẩm chay chế biến sẵn. 

an-chay-1654838662.jpg

Thực phẩm chay còn được đưa lên các mạng xã hội, như Zalo, Facebook… Trên thị trường cũng có nhiều thực phẩm chay nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... với mức giá cao từ ba đến bốn lần hàng trong nước sản xuất. Tuy đa dạng chủng loại, song điều đáng lo ngại là không ít sản phẩm chay giả mặn như các loại giò, chả, heo quay, đùi gà… được bọc gói sơ sài, bên ngoài không có nhãn hiệu hay bất cứ thông tin gì về thành phần sản phẩm hay hướng dẫn sử dụng chi tiết, nhất là ngày sản xuất và hạn sử dụng… Mặt khác, thực phẩm chay ở các chợ  dân sinh và trên mạng xã hội phần nhiều là sản phẩm do cá nhân và gia đình tự làm, không qua kiểm nghiệm, không có thông tin nhãn mác rõ ràng, khó bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Mới đây, tại tỉnh Đồng Tháp, Cục QLTT tỉnh này vừa phát hiện và thu giữ 500 kg thực phẩm chay, trên nhãn hàng hóa là tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.

Cụ thể, Đội QLTT số 3 trực thuộc Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp tiến hành khám đồ vật là các thùng giấy carton được tập kết tại bến phà Chợ Vàm, Ấp 2, xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp do ông Nguyễn Thanh Hùng ngụ địa chỉ: Khóm Phú Trường, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang làm chủ sở hữu. 

Qua kiểm tra, phát hiện 50 thùng (10kg/thùng = 500 kg) giấy carton có chứa hàng hóa là thực phẩm chay do Trung Quốc sản xuất, trên nhãn hàng hóa là tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định, trị giá tang vật gần 34 triệu đồng.

Đội QLTT số 3 làm việc, ông Nguyễn Thanh Hùng xuất trình các giấy tờ gồm: Hóa đơn thuế giá trị gia tăng, bản tự công bố sản phẩm và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh xác nhận toàn bộ số hàng hóa là Sườn non chay (Textured Soy Protein).

Hiện Đội QLTT số 3 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật nêu trên và đang hoàn tất hồ sơ trình Cục trưởng QLTT tỉnh Đồng Tháp ra quyết định xử phạt với số tiền 12.500.000 đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thị trường thực phẩm chay đang phát triển mạnh mẽ với sự phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, công tác quản lý các sản phẩm này còn thiếu thống nhất, bộc lộ nhiều bất cập, cho nên chất lượng thực phẩm chay đang bị “thả nổi”. Trong khi đó, việc kiểm soát, thu hồi triệt để mặt hàng không bảo đảm an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn... là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm nêu trên. Để siết chặt quản lý an toàn thực phẩm chay, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, thời gian tới, cùng với việc tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp mạnh trong công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với các công ty, nhà sản xuất thực phẩm nói chung, thực phẩm chay nói riêng… Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần tự trang bị các kiến thức về an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, ưu tiên lựa chọn sản phẩm từ các nhà sản xuất đáng tin cậy.

Các chuyên gia y tế cho rằng điều quan trọng nhất là người tiêu dùng tự nâng cao cảnh giác trong mua sắm và sử dụng thực phẩm. Người dân nên ưu tiên các cơ sở kinh doanh uy tín, có thương hiệu, nhãn sản phẩm ghi đầy đủ thông tin. Đặc biệt, đối với tất cả các loại đồ hộp dù chay hay mặn, người tiêu dùng cần nấu chín trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh. Việc nấu lại thức ăn đóng hộp ở 70oC trong khoảng từ 10 – 20 phút có thể ngăn ngừa nhiễm độc hiệu quả. Nếu thực phẩm đóng gói công nghiệp bị phồng, rách hay hết hạn, người dân không nên sử dụng.