Ngày 6/1, Bộ Y tế đã chính thức cấp phép cho 3 công ty dược trong nước gồm: Boston pharma, Stella và Mekophar sản xuất thuốc điều trị COVID-19 theo hình thức nhượng quyền từ Mỹ.
Trước đó, ngày 5/1, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế) có cuộc họp xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir của các cơ sở sản xuất trong nước. Hội đồng đã thống nhất đề xuất Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir, thuốc thuốc kháng virus có chỉ định điều trị COVID-19.
Các cơ sở sản xuất thuốc phải đảm bảo các điều kiện cụ thể để kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc sau khi được cấp giấy đăng ký lưu hành. Doanh nghiệp phải thực hiện kiểm tra chất lượng nguyên liệu đạt yêu cầu trước khi sản xuất; theo dõi, kiểm tra chất lượng thuốc hằng tháng sau khi được cấp giấy đăng ký lưu hành và báo cáo cơ quan quản lý để giám sát chặt chẽ về chất lượng, tuổi thọ của thuốc; tiếp tục thực hiện nghiên cứu độ ổn định của thuốc và nộp dữ liệu nghiên cứu, hồ sơ cập nhật hạn dùng để thẩm định theo hướng dẫn và yêu cầu của bộ hồ sơ kỹ thuật chung ASEAN.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ quan quản lý và đơn vị chuyên môn kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và giá theo đúng quy định của Luật dược, chống mọi biểu hiện tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình sản xuất và lưu hành thuốc.
Theo Tiền Phong, có khoảng 10 công ty dược trong nước đã nộp hồ sơ đăng ký sản xuất thuốc điều trị COVID-19. Tuy nhiên, đến hôm nay mới chỉ có 3 doanh nghiệp đủ điều kiện cấp phép lần này.
Molnupiravir là một thuốc kháng vi rút, hiện chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir tại nước ta được tiến hành thông qua hình thức nghiên cứu tại cộng đồng trong khuôn khổ chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát chặt chẽ.
Trong phác đồ điều trị Covid-19 ở nước ta, Molnupiravir cùng với Favipiravir, Remdesivir là 3 loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào sử dụng. Riêng Molnupiravir và Favipiravir là hai loại thuốc kháng vi rút dạng viên, dùng theo đường uống, dễ dàng sử dụng cho F0 điều trị tại nhà. Trong khi đó, Remdesivir là thuốc tiêm bắp, dùng cho bệnh nhân nặng, nên chỉ sử dụng trong bệnh viện.