Chưa được cấp phép, kit test nhanh Covid-19 bằng nước bọt vẫn tràn lan thị trường

Sức Khỏe News

Mặc dù chưa được Bộ Y tế cấp phép nhưng hiện nay trên nhiều trang mạng xã hội, những lời quảng cáo, rao bán tràn lan về bộ kit xét nghiệm COVID-19 bằng mẫu nước bọt vẫn đang thu hút được sự quan tâm của người dân.

Nhắm vào tâm lý e ngại lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 qua dịch tỵ hầu (họng miệng, họng mũi), nhiều trang mạng xã hội, website, rao bán công khai các bộ kit xét nghiệm nước bọt không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, tại các hội nhóm "Bộ kit test nhanh COVID", "Test nhanh COVID-19 bằng nước bọt-Ship tận nhà",… được rất nhiều thành viên rao bán các bộ kit xét nghiệm COVID-19 bằng nước bọt. Các loại kit test nhanh này được quảng cáo nhập khẩu trực tiếp từ một số nước như: Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc... Kèm theo đó là lời khẳng định "sản phẩm đã được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt". 

Khi được hỏi về độ tin cậy của kết quả các test nhanh này thì hầu hết người bán đều khẳng định sản phẩm của mình có độ chính xác từ 98,5% trở lên, thậm chí có người còn khẳng định độ chính xác lên tới 99,99%! Kèm theo đó là những lời giới thiệu “mát tai” về những ưu điểm của loại kit test này như: dễ sử dụng bằng cách lấy nước bọt mà không gây khó chịu như test bằng que tăm bông, êm dịu với trẻ em, không gây kích ứng khi sử dụng, độ chính xác cao...

kit-test-nhanh-bang-nuoc-bot-1640051516.jpeg
kit test nhanh Covid-19 bằng nước bọt đang rao bán tràn lan thị trường

Đáng nói, loại kit test này chưa được Bộ Y tế cấp phép và việc sử dụng các test nhanh COVID-19 bằng mẫu nước bọt có thể gây tâm lý chủ quan, nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Hiện tại, các loại kit test nhanh được Bộ Y tế cấp phép vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp lấy mẫu dịch tỵ hầu. Theo GS-TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên và 23 test xét nghiệm kháng thể.

“Hiện nay, các test xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép theo các quy định tại Thông tư số 47/2010/TT-BYT. Hơn nữa, các sản phẩm này thuộc nhóm có nguy cơ rủi ro cao (loại C, D) nên mọi hoạt động mua bán, kinh doanh test xét nghiệm SARS-CoV-2 phải đáp ứng các yêu cầu của ngành Y tế về nhân sự, điều kiện kho bảo quản, phương tiện vận chuyển.

Người dân cần hết sức cảnh giác, không nên tự ý mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là mạng xã hội bởi những sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành khi xét nghiệm có thể cho kết quả không chính xác. Như vậy, không những mất tiền oan mà nếu tin tưởng vào những kết quả này còn tiềm ẩn nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh cho cộng đồng” - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.