Cụ thể, theo nguồn tin nhận được, ngày 22/8/2022, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Phòng PC03 – Công an tỉnh Bình Định, Công an huyện Phù Cát đã tiến hành khám nơi cất giấu tang vật tại Kho chứa chai LPG, địa chỉ Quốc lộ 1A, thôn Hòa Hội, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện tại đây có chứa 662 chai LPG không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, với các nhãn hiệu: DANG PHUOC GAS, GAS DẦU KHÍ, NHAT TIEN GAS, PETROVIETNAM GAS, PT-GAS, FUTAGASCO.
Đội Quản lý thị trường số 2 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm nêu trên và tiếp tục xác minh làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo lực lượng QLTT, những năm gần đây hiện tượng hoán cải bình gas, chiết nạp trái phép, giả mạo sở hữu công nghiệp… gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Đáng chú ý, hiện tượng hoán cải bình gas ngày càng nhiều.
Cụ thể, đối tượng có những “lò sản xuất” chuyên trách nhiệm vụ mài mòn vỏ bình phần thương hiệu dập nổi, sau đó đắp thương hiệu mới lên, sơn lại đồng thời cắt quai bình gas cũ, hàn quai mới.
Ngoài ra, đối tượng còn cắt thân bình gas thương hiệu này ráp vào bình thương hiệu khác kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, sau đó cho ra lò một bình gas với thương hiệu lạ.
Hiệp hội Gas Việt Nam trước đó cũng cảnh báo đã phát hiện một số công ty đã nhập khẩu từ Trung Quốc một loại gas mà không phải là gas, đó là chất Dimethyl Ether (DME). Chất này dùng làm dung môi trong bình xịt sơn, xịt muỗi… có mức giá rẻ hơn gas khí hóa lỏng khoảng 100 USD/tấn. Chất này được trộn với gas theo tỉ lệ 10%-20% (làm tăng trọng lượng), pha với tỉ lệ 10% thì 1 tấn gas sẽ tăng lên 1,1 tấn (sang chiết lậu thường sử dụng loại gas này).
Chất DME rất nguy hiểm cho người sử dụng do có tính chất ăn mòn, dễ làm hư hỏng vỏ bình, linh kiện cao su dẫn đến rò rỉ gas, gây cháy nổ bất cứ lúc nào. DME có áp suất thấp, nhiệt thấp nên khi sử dụng không hiệu quả. Khi bình gas còn khoảng vài ba ký thì gas không còn đủ áp suất để đốt, gây lãng phí.
Gas lậu sử dụng gas kém chất lượng có nhiều tạp chất, gây hại sức khỏe người sử dụng cũng như môi trường. Nhiều bình bị chiếm dụng từ 10-15 năm, không được mang đi kiểm định theo quy định (trong khi các hãng gas theo quy định là 5 năm kiểm định một lần). Một số bình gas được các doanh nghiệp thu hồi về khi kiểm tra đều bị rò rỉ vỏ hoặc van nên phải loại bỏ, trong khi bình gas bị chiếm dụng thì không được kiểm tra nên rất nguy hiểm, dễ dẫn đến cháy nổ.
Những nơi chiếm dụng vỏ bình còn hoán cải vỏ bình gas của đơn vị khác bằng cách mài bỏ logo, cắt tai xách, cắt đế vỏ bình, sau đó hàn tai xách, đế khác làm vỏ bình bị mỏng và biến dạng kết cấu, không còn độ chịu lực; hoặc đốt nóng vỏ bình, sau đó dùng thiết bị ép để xóa bỏ logo đắp nổi hoặc cưa đôi vỏ bình để xóa logo đắp nổi bên trong.
Theo lực lượng QLTT, gas giả, gas lậu được ví như những quả bom chờ nổ. Đã có hàng loạt vụ cháy, nổ gas kinh hoàng trong thời gian gần đây là bài học đắt giá cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gas lậu. Vì thế để đảm bảo an toàn người tiêu dùng nên sử dụng gas chính hãng, không nên ham rẻ mua gas không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.
Với những mối nguy được nhận định trước, người tiêu dùng khi chọn mua và sử dụng các loại bình gas nên tới các đại lý uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm và sự an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Không nên vì ham rẻ mà mang về một 'quả bom nổ chậm trong nhà".