Lạm dụng sản phẩm tăng cường sinh lý, người dùng 'rước họa vào thân'

Trần Hoàng Quang

SKTD - Thời gian qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) liên tục phát đi cảnh báo về các sản phẩm tăng cường sinh lý chứa chất cấm hoặc bị thổi phồng công dụng. Vì vậy người tiêu dùng cần thận trọng, tránh 'rước họa vào thân'.

 Hiện nay, cánh mày râu ngày càng có nguy cơ cao mắc chứng suy giảm chức năng sinh lý. Với mong muốn duy trì phong độ, rất nhiều quý ông tìm kiếm các giải pháp nhằm nâng cao ham muốn, cải thiện đời sống chốn phòng the. Thực tế, tình trạng lạm dụng thuốc tăng sinh lý đang trở nên đáng báo động, gây nhiều hệ lụy cho người dùng.

Đặc biệt, lợi dụng tâm lý của người tiêu dùng, các đối tượng đã dùng nhiều chiêu trò để bán sản phẩm. Hiện nay trên một số trang mạng và trung tâm tư vấn thường quảng cáo hoặc gọi điện đến số điện thoại của khách hàng mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền để tư vấn bán thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng giới thiệu là thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định.

TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng cho biết: "Một số sản phẩm được chào bán như: Xương khớp; Sinh lý nam; Tiểu đường; Kích thích mọc tóc; Trị mất ngủ... Nhân viên tư vấn thường nói với giọng mang tính hù dọa, do nắm bắt được tâm lý người bệnh thường hay lo lắng. Nhân viên thường không cung cấp thông tin về địa chỉ của tổ chức sản xuất sản phẩm và chỉ bán hàng thông qua hình thức chuyển phát".

anh-minh-hoa-1660991377.jpg

Ngoài ra, tình trạng bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người tiêu dùng qua điện thoại, chat… đang diễn ra rầm rộ. Người mua, người bán lên đơn hàng với nhau qua những liên lạc trên và giao hàng qua đặt hàng online, bưu điện hoặc thuê người vận chuyển.

Với hình thức này, cá nhân hoặc tổ chức bán hàng không công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, họ thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cộng đồng bởi khó có thể tránh khỏi tình trạng sản xuất kinh doanh các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái… đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Nguy hiểm hơn, tình trạng giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về các mặt hàng thực phẩm chức năng đang khá phổ biến.

Không chỉ vậy, thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng đã tiến hành thu hồi nhiều sản phẩm tăng cường sinh lý chứa chất cấm.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành quyết định thu hồi sản phẩm bảo vệ sức khỏe Hàu sâm Fastro men không bảo đảm an toàn thực phẩm và đang xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.

thuoc-cai-thien-sinh-ly-1660991412.jpg

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm đã nhận được kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đối với mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hàu sâm Fastro men (số lô 010422, NSX: 120422, HSD: 120425). Kết quả, sản phẩm có chứa chất cấm (N-desmethyl tadalafil).

Trước đó, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ hoàn dương plus (số lô: SOLO: 02.2022, NSX: 11/05/2022, HSD: 10/05/2025) do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Ngọc nữ Protect Health, địa chỉ: Xóm Hồ Sơn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đăng ký bản công bố sản phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 6537/2021/ĐKSP ngày 18/7/2021 cũng đã bị thu hồi.

Lý do thu hồi là do sản phẩm được sản xuất tại cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khoẻ theo quy định (là khu vực dự phòng theo sơ đồ mặt bằng Công ty nộp trong hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tại Cục An toàn thực phẩm);

Nội dung ghi nhãn không phù hợp với hồ sơ công bố: không ghi tên cơ sở sản xuất: “Công ty TNHH sản xuất- Y dược phẩm Vĩnh Điển”; sai thành phần cấu tạo (theo hồ sơ công bố: bột vỏ hàu, nhãn thành phẩm ghi: chiết xuất vỏ hàu).

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Đoàn Ngọc Thiện, khoa Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM từng cảnh báo với các thuốc "ngầm", được truyền tai nhau giữa cánh đàn ông, tác dụng chưa được nghiên cứu rõ ràng, khoa học, có khả năng gây hại sức khoẻ như: cương đau dương vật kéo dài, dẫn đến liệt dương, suy giảm khả năng sinh dục...

Bên cạnh đó, còn có một số loại thuốc giả được làm rất giống thuốc thật nhưng không có tác dụng hoặc tác dụng không tốt. Theo bác sĩ Đoàn Ngọc Thiện, việc dùng thuốc rối loạn cương không đúng liều lượng và không phù hợp với tình trạng sức khỏe có thể gây nhiều nguy hiểm. Khi dùng thuốc cẩn thận trọng nếu có một số bệnh như: bệnh tim mạch, huyết áp cao hoặc huyết áp thấp, từng đột quỵ trước đó, bệnh gan, suy thận mạn, viêm võng mạc sắc tố, bệnh về máu, dương vật biến dạng hoặc dương vật từng bị cương cứng kéo dài trên 4 giờ. Thuốc còn có một số tác dụng phụ có nguy cơ tác động xấu đến sức khỏe nam giới như: đau đầu, chóng mặt, đỏ mặt, sổ mũi, khó tiêu, khó chịu ở dạ dày... bác sĩ Thiện khuyến cáo thêm.