Người phụ nữ đột quỵ bị liệt tứ chi tạo nên kỳ tích

Sức Khỏe News

SKTD- “Trường hợp của cô N.T.T.T 50 tuổi, ở quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ như một kỳ tích. Sau 1 năm điều trị đột quỵ bằng thuốc, bệnh nhân từ liệt tứ chi đã tự đi lại sinh hoạt bình thường. Đây không những là kỳ tích vượt xa mong đợi của người nhà mà còn đối với các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân” – người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân BS Dương Hoàng Linh - Đơn vị Can thiệp DSA Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết.

Bệnh nhân bị đột quỵ nhưng nghĩ đang bị cảm

Theo lời kể của cô T., vào tháng 6/2023, sức khỏe của cô yếu dần, cứ nghĩ là bệnh cảm thông thường nên chỉ điều trị uống thuốc tại nhà. Hôm đó, cô vào nhà vệ sinh thì tay chân yếu đi rồi té ngã đập đầu chảy máu, ngất xỉu tại chỗ. Do cô ở nhà một mình nên không ai hay. Mãi một lúc sau người nhà về thì mới phát hiện rồi đưa cô T. đến bệnh viện gần nhà. Nằm viện được 2 ngày thì người nhà thấy tình hình sức khỏe cô có chiều hướng xấu đi. Nên người nhà quyết định chuyển cô đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ để tìm cơ hội điều trị.

bn-luc-nhap-vien-cap-cuu-2023-1733390969.jpg

Cô T. lúc mới nhập viện điều trị tại S.I.S Cần Thơ (Ảnh: người nhà bệnh nhân cung cấp)

Lúc ở bệnh viện gần nhà, chị nói bị cảm nên tôi nghĩ là bệnh bình thường. Tôi đến thăm thấy chị không tự ngồi được, nói chuyện cũng khó nghe hơn tôi thấy không ổn. Từ trước có nghe danh bệnh viện S.I.S nên tôi quyết định chuyển viện cho chị. Lúc nhập viện cấp cứu, bác sĩ nói chị T. bị đột quỵ liệt tứ chi tôi nghe mà rụng rời tay chân. Chị T. bị đột quỵ 4 ngày rồi mà gia đình không biết bệnh. Lúc đó, tôi chỉ hy vọng bác sĩ cứu cho chị tôi tỉnh lại nói chuyện được là mừng…” – em gái của cô T. chia sẻ.

bs-voi-benh-nhan-1733391016.jpg

Cô T. (ở giữa) trong lần tái khám gần nhất với bác sĩ Dương Hoàng Linh

Những cái khó trong điều trị

Có một điều đáng buồn là cô T. được đưa đến Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ khá trễ. Sau 4 ngày, các biểu hiện của đột quỵ của cô đã nặng hơn nói khó, nuốt khó, tứ chi liệt hoàn toàn.

Tại thời điểm cấp cứu, bệnh nhân đã được bác sĩ kiểm tra, đánh giá thăng điểm NIHSS ở mức 26 điểm. (Thang điểm NIHSS - National Institutes of Health Stroke Scale được sử dụng để đánh giá mức độ suy giảm chức năng thần kinh do đột quỵ gây ra). Mức điểm càng cao chứng tỏ mức độ suy giảm thần kinh càng nặng.

Kết quả chụp MRI ghi nhận cô T. bị tổn thương nhồi máu não hai bên vùng cầu não, thăng não. Động mạch nền nơi dẫn truyền vận động từ vỏ não chi phối xuống hai tay hai chân bị tắc nghẽn hoàn toàn. Đối với đột quỵ nhồi máu não đây là trường hợp khá hiếm gặp. Đột quỵ nhồi máu não cấp thông thường bệnh nhân sẽ yếu liệt hoặc bên trái hoặc bên phải. Đối với trường hợp này, cô T. đã bị liệt cả 2 tay 2 chân.

Bệnh nhân đến điều trị bỏ lỡ thời gian vàng trong 4,5 giờ đầu nên phương án sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong đột quỵ nhồi máu não không thể áp dụng. Với thang điểm NIHSS là 26, tình trạng khiếm khuyết thần kinh của bệnh nhân ở mức tiên lượng nặng. Chúng tôi chỉ định cho bệnh nhân chụp DSA mạch máu não kiểm tra để xem có thể can thiệp hay không. Với kết quả chụp DSA, ê kíp khá bất ngờ với mạch máu của bệnh nhân. Động mạch nền đã tắc hoàn toàn và kích thước bị teo nhỏ hơn bình thường. Nếu can thiệp nguy cơ biến chứng trong quá trình can thiệp rất cao” – Bác sĩ Dương Hoàng Linh cho biết.

truoc-va-sau-dieu-tri-1733391045.jpg
 

Kỳ tích đã xuất hiện

Với tình trạng tiên lượng không mấy khả quan, những tưởng cơ hội phục hồi của cô Thủy trở về con số không. Nhưng với phương pháp điều trị nội khoa tối ưu tích cực, cùng với sự phối hợp chăm sóc, động viên của người nhà. Đến nay, sau 1 năm trở lại tái khám, cô T. đã tự bước đi trên đôi chân của mình, trả lời những câu hỏi của bác sĩ rõ ràng. Hơn hết, cô T. đã tự sinh hoạt cá nhân và làm được những công việc nhẹ nhàng.

Tai thời điểm bắt đầu điều trị, chúng tôi đã tư vấn chi tiết cho người nhà về lợi ích cũng như nguy cơ của can thiệp nội mạch và điều trị nội khoa. Với sự đồng thuận của gia đình, bệnh nhân được điều trị nội khoa tối ưu. Sau 1 năm điều trị, chúng tôi chỉ định bệnh nhân chụp MRI để kiểm tra khảo sát mạch máu não. Một điều bất ngờ là động mạch nền trước khi điều trị bị tắc hoàn toàn. Nhưng hiện tại động mạch nền đã tái lập lại một phần. Điều này cho thấy bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc và có thể giảm thiểu nguy cơ đột quỵ tái phát.

bn-da-tu-di-dung-binh-thuong-sau-1-nam-dieu-tri-1733391077.jpg

Cô T. tự đi lại bình thường mà không cần sự hỗ trợ nào

"Đây là kết quả chúng tôi gọi là kỳ tích, gây ngạc nhiên không chỉ cho bệnh nhân, người nhà mà còn với bác sĩ đã từng thăm khám cho bệnh nhân. Kết quả phục hồi này nhờ vào phương pháp điều trị tối ưu phù hợp, cơ thể bệnh nhân đáp ứng tốt và sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình” - Bác sĩ Dương Hoàng Linh chia sẻ.

Trường hợp của cô T. có thể nói là một kỳ tích với người nhà và bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, không phải trường hợp đột quỵ nhồi máu não đến trễ giờ vàng cũng có thể gặp kỳ tích. Vì thế, cách tốt nhất là phòng ngừa bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể chất. Bên cạnh đó là kiểm tra sức khỏe, tầm soát định kì các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường,… Một khi có những biểu hiện kinh điển như yếu liệt tay chân, miệng méo, nói đớ,… thì cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ. Bệnh nhân được đưa đến điều trị sớm trong cửa sổ thời gian vàng thì khả năng phục hồi sau đột quỵ sẽ tốt hơn và nhanh chóng trở về trạng thái bình thường hơn.

Bệnh viện S.I.S