Theo các chuyên gia, tổn thương gan đã được ghi nhận ở người lớn mắc COVID-19 nghiêm trọng. Họ cho rằng trẻ em có thể bị ảnh hưởng bởi hội chứng viêm đa hệ (MIS-C) hậu COVID-19. Hậu quả là gây tổn thương đến gan. Tổn thương gan hậu COVID-19 cũng ngày càng gia tăng ở người lớn. Tại Israel, 12 ca mắc viêm gan bí ẩn đã được ghi nhận từ tháng 4 đến nay.
Tìm ra nguyên nhân gây viêm gan bí ẩn ở trẻ em.
Nghiên cứu mới của Israel phân tích 5 bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Y tế Trẻ em Schneider vào năm 2021 do chấn thương gan. Tất cả đều có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trước khi có triệu chứng viêm gan, theo Zing.vn.
Ca đầu tiên là bé sơ sinh 3 tuổi, nhập viện vì suy gan cấp tính sau 21 ngày có chẩn đoán mắc COVID-19. Sau đó 11 ngày, em được ghép gan. Bệnh nhi này âm tính với virus adeno, Epstein-Barr, cytomegalovirus (CMV) và herpes simplex.
Bệnh nhi thứ hai 5 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt, vàng da, gan to, trở nặng nhanh và phải ghép gan ngay. Em bé có kết quả dương tính với cả virus adeno và SARS-CoV-2. Sau khi ghép tạng, bệnh nhi cũng cho thấy em đã mắc CMV.
Bệnh nhân thứ ba là cậu bé 8 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh trước khi mắc viêm gan bí ẩn. Em dương tính với virus corona trước khi bị tổn thương gan. Khoảng 130 ngày sau khi mắc COVID-19, bé trai bị đau bụng, nôn mửa, vàng da. Trường hợp này không nhiễm adeno.
Bệnh nhân thứ tư là bé trai 8 tuổi, bắt đầu bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và vàng da sau khoảng 90 ngày được chẩn đoán mắc COVID-19. Em cũng không nhiễm virus adeno.
Bệnh nhân thứ năm là cậu bé 13 tuổi có tiền sử khỏe mạnh. Sau khi có triệu chứng mệt mỏi, tiêu chảy, vàng da và đau bụng, em được xét nghiệm COVID-19 và cho kết quả dương tính. 53 ngày sau khi nhiễm nCoV, em nhập viện trong tình trạng nôn mửa, đau bụng, vàng da, gan to và tổn thương gan. Trong thời gian nằm viện, em cần được ghép gan. Sau khi phẫu thuật, cậu bé có kết quả dương tính với CMV và adeno.
Nghiên cứu cũng ghi nhận hai em bé (8 và 13 tuổi) bị viêm gan cấp tính với tình trạng ứ mật. Hai trẻ sơ sinh bị suy gan cấp tính. Các bệnh nhi có triệu chứng COVID-19 nhẹ hoặc không triệu chứng trước khi có vấn đề về gan.
Do đó, nhóm tác giả kết luận tổn thương gan có thể là do nCoV trực tiếp gây ra thông qua thụ thể ACE2 - "ổ khóa" mà chúng dùng để liên kết và xâm nhập vào tế bào.
Cơ chế khác có thể gây ra tổn thương gan là hệ thống miễn dịch phản ứng kém hoặc phản ứng quá mức với nhiễm trùng. Các bệnh tự miễn dịch và tự gây viêm như MIS-C có thể dẫn tới viêm gan. Tình trạng này đã được báo cáo ở cả trẻ em, thanh thiếu niên mắc COVID-19 kéo dài.
Các nhà khoa học kết luận nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn trong thời gian gần đây là phản ứng miễn dịch sau nhiễm nCoV như MIS-C hoặc phản ứng miễn dịch bất thường với virus khiến cơ thể nhiễm những tác nhân khác như adeno.
Đến nay, WHO đã ghi nhận hơn 700 ca mắc tại 34 quốc gia. WHO đánh giá nguy cơ toàn cầu từ các trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân là trung bình.
PGS - TS- BS Wynn Huỳnh Trần: viêm gan ở trẻ em là rất hiếm. Viêm gan ở trẻ em có liên quan đến Adenovirus lại càng khó hiểu hơn vì loại virus này ở khắp nơi. Đây là điều mà CDC Hoa Kỳ và các bác sĩ vẫn chưa hiểu hết về bệnh này.nNhiều người lo ngại viêm gan bí ẩn ở trẻ em liên quan đến COVID -19.
Cách tốt nhất chữa viêm gan là ngăn ngừa vì thường không có cách chữa trị hiệu quả một khi gan đã sưng viêm. Chữa viêm gan cấp tính chủ yếu là chữa trị hỗ trợ, tìm ra nguyên nhân chính (loại virus hay lý do khác) và chữa trị dứt điểm, và ghép gan nếu cần thiết. Chữa trị viêm gan cấp tính ở trẻ em cũng vậy. Trẻ em thường được chăm sóc trong hồi sức tích cực (ICU), điều trị hỗ trợ, theo dõi, và can thiệp ghép gan nếu cần thiết.
Số ca viêm gan bí ẩn rất ít. Cha mẹ lưu ý đến các triệu chứng: Mệt mỏi, biếng ăn, ói mửa, đau bụng, nước tiểu đậm, phân không có màu, đau khớp, và vàng da...