Nội soi gắp dị vật là viên bi trong mũi trẻ 3 tuổi

Sức Khỏe News

SKTD- Trẻ em thường khó tránh khỏi hóc dị vật hoặc nhét dị vật vào mũi, tai, vùng kín,... gia đình nên cẩn trọng với các trường hợp như vậy để phòng tránh cho trẻ.

Bé L.Q.C. (3 tuổi, trú tại Quảng Yên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) ở nhà xuất hiện chảy nước mũi, có nhiều mùi hôi được mẹ đưa đi khám.

Tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, sau khi nội soi, bác sĩ phát hiện 1 viên bi sắt ở mũi trái, sau đó viên bi được gắp ra và rất may dị vật chưa làm tổn thương mũi trẻ.

di-vat-1-1733973853.jpg

Ảnh minh họa

 

Theo các bác sĩ, trẻ bị dị vật mũi có thể để lại vấn đề nhiễm trùng, khiến trẻ ốm sốt cũng như có thể gây các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm amidan, viêm họng…

Dị vật mũi có khả năng rơi xuống khu vực hầu họng và trở thành dị vật đường thở với nhiều nguy hiểm như: viêm nhiễm đường hô hấp, áp xe phổi, viêm phổi, viêm phế quản, gây bít tắc đường thở, khó thở, ngạt thở, thậm chí là tắc thở và nguy hiểm cho tính mạng trẻ.

Vì vậy, khi phát hiện trẻ nhét dị vật vào mũi hay trẻ vô tình bị dị vật mũi, cha mẹ cần sớm có giải pháp lấy dị vật trong mũi trẻ ra. Điều này được thực hiện dựa trên kinh nghiệm của cha mẹ hướng dẫn con đẩy dị vật và cha mẹ cũng cần xác định những tình huống cần đưa con đến để bác sĩ gắp dị vật và xử lý viêm nhiễm cho con.

Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức phòng ngừa dị vật cho trẻ, giáo dục trẻ nhận thức tầm nguy hiểm của dị vật tai mũi họng, từ đó, giúp trẻ cẩn trọng để không xảy ra những tai nạn dị vật.