Ba nhà khoa học phát triển vắc xin Covid-19 nhận Giải thưởng VinFuture

Sức Khỏe News

Chủ nhân Giải thưởng chính VinFuture mùa đầu tiên trị giá 3 triệu USD được trao cho GS Katalin Kariko và 2 đồng nghiệp - những người đặt nền móng cho công nghệ mRNA (làm nên các loại vắc xin Pfizer/Moderna) trong cuộc chiến chống Covid-19.

Tối 20/1, nhiều nhà khoa học tên tuổi trên thế giới đã cùng hội tụ về Hà Nội dự lễ trao Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture.

Sự kiện thu hút tâm điểm của giới khoa học trên toàn cầu, với sự góp mặt của những sáng kiến, phát minh có tác động đến hàng triệu người, góp phần định vị Việt Nam là điểm đến mới của khoa học công nghệ thế giới. Đồng thời tạo cơ hội kết nối, tạo mối quan hệ hợp tác trực tiếp, đa chiều giữa các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam.

Trong sự kiện, VinFuture sẽ trao 4 giải thưởng. Trong đó giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD và là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất trên thế giới sẽ được trao cho nhà nghiên cứu và công trình khoa học có giá trị vượt trội về tính khoa học, tiên phong về công nghệ, mang lại tác động tích cực cho cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. Giải thưởng này được trao cho GS Katalin Kariko, Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech cùng các cộng sự là GS Drew Weissman (chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y, Đại học Pennsylvania (UPenn, Mỹ) và GS Pieter Cullis (Giám đốc Viện Khoa học Sự sống tại Đại học British Columbia (UBC, Canada). Bà Katalin Kariko là người Hungary, sau khi lấy bằng tiến sĩ, bà Kariko sang Mỹ làm nghiên cứu sau tiến sĩ và bây giờ là giáo sư thỉnh giảng ở ĐH Pennsylvania. GS Katalin Kariko nổi tiếng nhất với những đóng góp trong công nghệ mRNA, vắc xin mRNA phòng chống Covid-19.

nha-khoa-hoc-vinfuture-1642730895.jpeg
Ba nhà khoa học phát triển vắc xin Covid-19 nhận Giải thưởng VinFuture

Được biết, nhiều năm trước, GS Katalin Kariko bắt tay nghiên cứu mRNA, công nghệ nền tảng của hai loại vắc xin trên. Ý tưởng ban đầu bị nhiều người coi là viển vông, thiếu thực tế. Hành trình nghiên cứu và phát triển công nghệ sau đó vô cùng chông gai, thử thách cho đến thành công ngày hôm nay.

Ngoài giải thưởng chính, VinFuture còn trao 3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới.

Hạng mục nhà khoa học nữ được trao cho nhà khoa học người Mỹ gốc Trung, GS Zhenan Bao của Trung tâm Shriram, Khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Stanford (Mỹ). Bà là người tiên phong nghiên cứu về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt ứng dụng của các thiết bị này trong y tế và năng lượng. Xuất phát từ nghiên cứu khoa học cơ bản, bà đã phát triển một loạt mô hình phân tử cho các vật liệu điện tử hữu cơ mới và các phương pháp chế tạo các vật liệu này. Bà có hơn 700 bài báo khoa học được trích dẫn, tham khảo và hơn 100 bằng sáng chế tại Mỹ.

Hạng mục dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển được trao cho cặp vợ chồng đến từ Nam Phi là GS Quarraisha và GS Abdool Karim. Bà Quarraisha là nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, hiện giữ chức Giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu AIDS tại Nam Phi (CAPRISA) và là Phó Hiệu trưởng phụ trách Y tế châu Phi của Đại học Kwazulu-Natal (Nam Phi). Bà cũng là giáo sư dịch tễ học lâm sàng tại Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia (Mỹ). Ông Karim cũng là nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, giữ chức Giám đốc CAPRISA và nhiều chức vụ khác. Theo cơ sở dữ liệu các ấn phẩm khoa học Web of Science, ông là một trong những nhà khoa học được trích dẫn thường xuyên nhất thế giới. GS Karim đóng vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống COVID-19 của Nam Phi với tư cách là đồng Chủ tịch Ủy ban Cố vấn của Bộ trưởng Nam Phi về COVID-19.