Cao điểm sốt xuất huyết: Các dấu hiệu cảnh báo nào không thể chủ quan

Sức Khỏe News

SKTD- Từ đầu tháng 7/2025, sốt xuất huyết (SXH) đang bước vào cao điểm khi thời tiết nắng mưa bất thường, điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo mà người dân nhất định không thể chủ quan.

Hiện nay, sốt xuất huyết không còn là bệnh theo mùa mà diễn biến kéo dài quanh năm. Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận hơn 22.000 ca, với 5 ca tử vong, dù tổng số ca mắc có giảm nhẹ, nhưng tử vong vẫn tăng. Tại TP.HCM, số ca nặng chiếm khoảng 1,5% và có xu hướng tăng cả trong mùa khô.

Tại TP.HCM, từ đầu năm đến tuần 23 (từ 2–8/6), số ca mắc đã lên tới 8.595, tăng chóng mặt +131% so với cùng kỳ 2024 (3.718 ca). Tại Hà Nội, tình hình cũng đang chuyển biến xấu hơn so với năm trước, dù chưa bùng dịch.

Trong đó, nhóm bệnh nhân là trẻ em sẽ có nguy cơ cao biến chứng nặng hơn các nhóm đối tượng khác. Trẻ nhỏ – đặc biệt dưới 4 tuổi, trẻ sơ sinh – dễ trở nặng vì hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, mệt mỏi, biếng ăn thường bị bỏ qua – dẫn đến nhập viện muộn, thậm chí suy đa tạng, sốc, chảy máu tiêu hóa. Giai đoạn từ ngày 3–7 là lúc bệnh nguy hiểm nhất: xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như đau bụng, nôn nhiều, chảy máu mũi/răng, li bì – nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.

sot-xuat-huyet-1-1751770434.jpg

Sốt xuất huyết hiện nay có nguy cơ diễn biến quanh năm thay vì theo mùa như trước

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo: nhiều bệnh nhân cứ nghĩ hết sốt là đã khỏe, nhưng thực chất virus vẫn âm thầm tấn công hệ thống, gây sốc do cô đặc máu. Một sinh viên 19 tuổi ở Hà Nội tử vong vì nhập viện quá muộn – chứng minh mức độ nguy hiểm của việc thờ ơ với triệu chứng cảnh báo.

Các chuyên gia khuyến nghị một loạt biện pháp cấp thiết dành cho người dân để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả: Diệt muỗi-lăng quăng: làm sạch nơi chứa nước, phun hóa chất, thả cá…; Bảo vệ cho cá nhân bằng cách mặc quần dài, dùng màn, kem chống muỗi, đặc biệt ban ngày.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm vaccine cho trẻ từ 4 tuổi – vắc xin giảm nguy cơ SXH nặng, đã được Bộ Y tế cấp phép và được bác sĩ khuyến khích.

Với những người đã xác định bị nhiễm sốt xuất huyết cần thường xuyên xét nghiệm công thức máu, không dùng thuốc hạ sốt chứa aspirin/ibuprofen và tiến hành nhập viện ngay khi xuất hiện dấu hiệu cảnh báo: đau bụng nhiều, nôn liên tục, tiểu ít, li bì, chảy máu cam/răng, da lạnh ẩm.