Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch, triển khai quyết liệt phòng chống không để xảy ra đợt dịch mới.
Các địa phương phải nâng cao mức độ cảnh giác
Chiều 24/10, phát biểu tại hội nghị kiểm điểm, đánh giá 10 ngày thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19” do Bộ Y tế tổ chức trực tuyến với các điểm cầu UBND tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ đánh giá chung: “Về cơ bản hiện nay chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch tại các địa bàn trọng điểm như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và một số địa phương khác. Tuy nhiên sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều và đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ các vùng dịch”.
Mặc dù các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch nhưng các tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định hay một số địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến người trở về từ vùng dịch.
“Chúng tôi bày tỏ lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói đồng thời đề nghị các địa phương phải rà soát lại, kiểm soát người về từ 4 địa bàn TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai để phát hiện kịp thời và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. “Phải giám sát chặt chẽ, tiến hành xét nghiệm, cách ly… theo đúng hướng dẫn”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Người đứng đầu ngành y tế nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc: Các địa phương phải coi công tác phòng chống dịch là trọng tâm để giữ được thành quả chống dịch đã có.
Liên quan đến triển khai thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, thông tin tại hội nghị cho thấy, qua 10 ngày triển khai thực hiện Nghị quyết, các địa phương cơ bản đáp ứng và linh hoạt triển khai theo tinh thần thực tế của địa phương. Tuy nhiên vẫn còn một vài nơi áp dụng cứng nhắc.
Quyết liệt đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng
Tại hội nghị đã có trên 20 ý kiến tham luận, trao đổi của các địa phương về thực hiện các biện pháp chuyên môn như cách ly phòng chống dịch, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, xét nghiệm, điều trị… và các vấn đề khác như đi lại, lưu thông hàng hóa.
Lắng nghe ý kiến của các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ: Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 nếu các địa phương có vấn đề phát sinh thì cần liên hệ ngay với Bộ Y tế trao đổi để đạt được "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Quan trọng hơn cả là phải kiểm soát được tình hình dịch, tránh để xảy ra đợt dịch tiếp theo. "Đây là điều Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu ngành y tế, một trong những tiêu chí phân loại cấp độ dịch là độ bao phủ vaccine. Hướng dẫn của Bộ Y tế đã chỉ rõ cố gắng bao phủ mũi 1 theo đúng đối tượng.
Trong tháng 10 đạt bao phủ mũi 2 cho người trên 65 tuổi ở mức tối thiểu 80%; trong tháng 11 đạt mức bao phủ tương tự đối với người trên 50 tuổi. Có những địa phương làm tốt nhưng có những địa phương chưa đạt được tốc độ tiêm như mong muốn.
Do đó Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương đã được phân bổ vaccine phải tăng tốc tiêm chủng. Bộ đã nhiều lần yêu cầu vấn đề này. Đồng thời các địa phương khi triển khai tiêm chủng phải tuân thủ việc cập nhật dữ liệu thông tin người tiêm lên nền tảng tiêm chủng theo đúng hướng dẫn.
Một tiêu chí quan trọng khác là các địa phương phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống điều trị, phải đảm bảo giường bệnh cho tình huống có nhiều ca mắc, có máy thở, có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, có oxy… để khi dịch xảy ra thì kiểm soát được và giảm tối đa số ca tử vong. Đồng thời phải đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực điều trị cho cán bộ y tế. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn còn địa phương có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ từ tuyến trên.
"Đề nghị các địa phương phải chuẩn bị đủ các yêu cầu tiêu chí này. Trong Nghị quyết 128 và quyết định 4800 đều nêu nếu không đảm bảo tiêu chí này sẽ phải nâng cao cấp độ dịch để ứng phó phù hợp"- Bộ trưởng lưu ý.
Khoanh vùng phong toả hẹp nhất, xét nghiệm theo hướng dẫn để tránh lãng phí
Về đánh giá cấp độ dịch, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh: Trong Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 đã nêu việc tiến hành đánh giá cấp độ dịch theo quy mô xã/phường để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch đến sự phát triển kinh tế xã hội. Do đó, các địa phương cần thực hiện theo hướng dẫn.
Về lưu thông, vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân, các cấp độ dịch đều được thực hiện… nhưng phải đảm bảo tuân thủ 5K và các biện pháp phòng chống dịch.
Liên quan đến công tác xét nghiệm, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 4800. Trong xét nghiệm phải lưu ý gộp mẫu, kể cả PCR cũng có thể gộp đến 20 mẫu. "Chúng ta làm theo đúng hướng dẫn để giảm chi phí xét nghiệm"- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Đối với các bệnh viện, người đứng đầu ngành y tế khẳng định: Chỉ xét nghiệm sàng lọc người có triệu chứng, nếu có BHYT thì BHYT thanh toán, nếu không tham gia BHYT thì ngân sách nhà nước chi trả. Không được thu tiền xét nghiệm của người bệnh.
Liên quan đến việc cách ly, phong tỏa phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý các địa phương cần phong tỏa và cách ly nhỏ nhất có thể: chỉ vài nhà trong một ngõ hay một vùng nhỏ trong 1 xã, phường. Trong vùng phong tỏa, cách ly nhỏ cần làm xét nghiệm nhiều vòng lặp lại.
"Xác định khoanh vùng nhỏ nhất để dập dịch và không ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của người dân và không lãng phí nguồn lực chống dịch" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Trước quan tâm của không ít địa phương về theo dõi, cách ly người trở về từ vùng dịch, tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: "Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống dịch đối với các trường hợp này. Người đi từ vùng dịch về đã đủ điều kiện theo dõi sức khỏe tại nhà, nhưng không có nghĩa là "thả lỏng" mà phải dựa vào tổ COVID cộng đồng thường xuyên kiểm tra, giám sát".
Cả nước thêm 4.045 ca mắc mới Covid-19 tại 47 tỉnh thành
Tối 24/10, Bộ Y tế ghi nhận thêm 4.045 ca mắc mới Covid-19 tại 47 tỉnh, thành phố và 1.314 bệnh nhân công bố khỏi bệnh trong ngày.
Trong số các trường hợp mắc mới, 17 ca nhập cảnh và 4.028 ca ghi nhận trong nước (tăng 667 ca so với ngày trước đó) tại 47 tỉnh, thành phố.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP.HCM (966), Bình Dương (524), Đồng Nai (429), An Giang (297), Sóc Trăng (296), Đắk Lắk (193), Bạc Liêu (155), Tây Ninh (132), Trà Vinh (113), Long An (88), Kiên Giang (83), Tiền Giang (78), Hà Giang (68), Bình Thuận (51), Cần Thơ (48), Gia Lai (44), Khánh Hòa (43), Cà Mau (42), Đồng Tháp (41), Thanh Hóa (38), Phú Thọ (34), Thừa Thiên Huế (32), Nghệ An (27), Quảng Nam (17), Bà Rịa - Vũng Tàu (16), Vĩnh Long (15), Bến Tre (15), Hà Nội (14), Quảng Ngãi (12), Bình Phước (12), Nam Định (11), Quảng Bình (11), Ninh Thuận (11), Bình Định (11), Kon Tum (10), Đà Nẵng (9), Bắc Ninh (8 ), Lâm Đồng (8 ), Hà Nam (6), Đắk Nông (5), Bắc Giang (3), Phú Yên (3), Hải Dương (2), Quảng Trị (2), Lai Châu (2), Tuyên Quang (2), Bắc Kạn (1).
Như vậy, so với ngày hôm qua, Đồng Nai giảm 176 ca, Tiền Giang 78, Phú Thọ 41. Ngược lại Sóc Trăng tăng 296 ca, TP.HCM 217 và Đắk Lắk 193 ca.
Tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 884.177 ca, trong đó có 803.161 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Hiện 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM 425.121 ca, Bình Dương (228.840), Đồng Nai (61.532), Long An (34.227), Tiền Giang (15.626).
Tin Tổng Hợp