Bộ Y tế: Tăng cường kiểm dịch y tế, năng lực xác định với bệnh Marburg

Sức Khỏe News

SKTD- Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có văn bản khẩn số 1006/DP-DT gửi Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur; Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế yêu cầu tăng cường kiểm dịch y tế, năng lực xác định với bệnh Marburg.

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ cuối tháng 9/2024, Rwanda đã lần đầu tiên ghi nhận trường hợp bệnh Marburg tại nước này.

Đến 10/10/2024, đã ghi nhận tổng số 58 trường hợp mắc, trong đó có 13 trường hợp tử vong tại 7 trong số 30 quận của nước này; khoảng 70% trường hợp bệnh là nhân viên y tế. Bệnh Marburg là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%). Đến nay, bệnh chưa có vaccine, thuốc điều trị đặc hiệu, hiện bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta. Một số quốc gia như: Hòa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp y tế tại cửa khẩu nhằm kiểm soát dịch bệnh Marburg xâm nhập.

Để chủ động giám sát, phát hiện, kiểm soát dịch bệnh Marburg xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng có văn bản khẩn số 1006/DP-DT gửi Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur; Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế đề nghị tập trung triển khai các nội dung sau:

marbug-1-1728873402.jpg

Virus Marburg tồn tại trong một số loài dơi ở châu Phi. (Ảnh minh họa: Công an Nhân dân)

Các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế:

- Cập nhật thông tin về các quốc gia/vùng lãnh thổ đang ghi nhận trường hợp bệnh Marburg để tăng cường, chủ động giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch y tế từ các khu vực này nhập cảnh, quá cảnh, nhập khẩu qua các cửa khẩu tại nước ta.

- Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với cán bộ, nhân viên và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế, lây lan ra cộng đồng.

- Chuẩn bị sẵn sàng phòng, khu vực cách ly tạm thời sử dụng cho các trường hợp nghi ngờ,mắc bệnh ở cửa khẩu (nếu cần); các trang thiết bị, hóa chất, thuốc đảm bảo có thể sử dụng ngay khi có dịch.

- Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế về giám sát, kiểm soát bệnh Marburg. Đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn.

- Tiếp tục tổ chức truyền thông tại cửa khẩu cho hành khách, người dân về các biện pháp phòng chống, đặc biệt cần thông báo ngay cho cơ sở y tế khi họ phát hiện các triệu chứng và yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh Marburg trong vòng 21 ngày kể từ ngày họ nhập cảnh Việt Nam.

- Rà soát, cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh Marburg tại từng cửa khẩu với sự tham gia, phối hợp của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế tại địa phương, trong đó lưu ý về nhân viên y tế đi cùng, phương tiện vận chuyển người nghi ngờ, mắc bệnh và cơ sở y tế có thể tiếp nhận chăm sóc, điều trị.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur:

- Hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát và các biện pháp phòng chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định bệnh Marburg từ các địa phương.

- Tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh Marburg.

- Rà soát, củng cố đội phản ứng nhanh tại đơn vị, sẵn sàng đáp ứng khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc tại các địa phương (nếu có).