Biểu hiện của bệnh là các mụn nước bị dập vỡ trên nền da dát đỏ, có rỉ dịch và đóng thành vảy tiết, lâu ngày dẫn đến da dày và khô, nhiều vết nứt, thường ở các vị trí như vùng đầu, mặt, cổ, vùng có nếp gấp: khuỷu tay, gối...
Các tổn thương này dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm da khác như viêm da dầu, chốc, nấm da, viêm da do kí sinh trùng. Viêm da cơ địa gây ngứa dữ dội khiến trẻ khó chịu quấy khóc, ăn ngủ kém, thường xuyên cào gãi hoặc chà xát, điều này làm da càng thêm tổn thương và dễ nhiễm trùng, bệnh kéo dài có thể dẫn đến nhiễm khuẩn da do tụ cầu, tổn thương thận, khớp. Ngoài ra, trẻ bị viêm da cơ địa cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, hen phế quản…
Trẻ bị viêm da cơ địa rất cần được chăm sóc đúng cách, kịp thời để giảm bớt khó chịu và phòng tránh các biến chứng hoặc để lại sẹo ảnh hưởng thẩm mỹ. Bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cũng cần được tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, hợp tác chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa và kiên trì trong quá trình điều trị, không tự ý sử dụng các loại kem Corticoid kéo dài vì sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn hoặc dễ tái phát.