Cao Bằng cấp cứu 2 bệnh nhân có hành vi tự gây thương tích trong tình trạng nặng nề

Sức Khỏe News

SKTD- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận 2 bệnh nhân có hành vi tự gây thương tích trong tình trạng nặng nề: 1 bệnh nhân tự đâm vào vùng bụng, đầu; 1 bệnh nhân tự cắt cổ.

Sau khi tiếp nhận, cả 2 bệnh nhân này được các bác sĩ tiến hành các biện pháp cấp cứu khẩn trương, kịp thời. Hiện tại 2 bệnh nhân đã vượt qua trạng thái nguy kịch và đang được tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng.

Các bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân cho biết, thời gian gần đây gặp các ca bệnh tự gây thương tích, tự sát nhiều hơn. Cùng với thông tin về ca tự sát tại cộng đồng mới đây, là vấn đề sức khỏe cần cảnh báo rộng rãi đến toàn xã hội để cộng đồng có nhận thức đầy đủ về nguy cơ cũng như có các biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời hạn chế, giảm thiểu các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

benh-nha-1-1735606620.jpg

Hai bệnh nhân khi được điều trị tại Bệnh viện

Theo các bác sĩ Khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, tự gây thương tích, tự sát xảy ra chủ yếu do những nguyên nhân sau:

Liên quan đến nhân tố tâm lý như các sự kiện gây căng thẳng trong cuộc sống, xung đột cá nhân (vợ chồng, gia đình, anh em, người yêu, đồng nghiệp...), đến sự mất mát người thân chết, tổn thất lớn về tài chính, đến sự bế tắc trong cuộc sống và nghề nghiệp không có lối thoát, hoặc do phạm tội lớn, hoặc do đau khổ quá nhiều về bệnh tật... mà ẩn chứa trong đó sự sợ hãi, lo lắng, buồn rầu, chán nản cao độ không có lối thoát.

Liên quan đến bệnh cơ thể và tâm thần như các bệnh cơ thể mạn tính đái tháo đường, bệnh gan, thận, dạ dày, đại tràng, khớp, xơ cứng bì rải rác, tim mạch, thần kinh, động kinh, chấn thương sọ não, ung thư. Các rối loạn tâm thần thường gặp như trạng thái trầm cảm nặng có loạn thần, thường có kèm theo hoang tưởng bị tội, người bệnh cho mình có phẩm chất xấu, có tội lớn không đáng sống nên phải chết mới giải thoát được. Do hoang tưởng chi phối, hoang tưởng bị hại kéo dài làm cho bệnh nhân đau khổ quá mức.

Do ảo giác chi phối: ảo thanh ra lệnh, hoặc mạt sát phê phán nghiêm khắc.

Tự gây thương tích, tự sát là một cấp cứu tâm thần, có thể phòng ngừa và điều trị được. Để ngăn chặn người tự sát cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và xã hội. Các biện pháp có thể được thực hiện để phòng ngừa tự sát như: Phát hiện và điều trị sớm các tình trạng rối loạn tâm thần, rối loạn do sử dụng chất gây nghiện; đang có sang chấn tâm lý cấp tính. Nếu phát hiện người có ý nghĩ hay hành vi tự sát, cần đưa ngay tới cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần để được khám và điều trị kịp thời. Tăng cường giáo dục và truyền thông về tự sát, kiểm soát tốt các phương tiện dùng để tự sát ví dụ như: thuốc độc, thuốc trừ sâu, vũ khí.

Chăm sóc theo dõi những người đã từng có hành vi tự sát và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Xây dựng nếp sống lành mạnh, tích cực, nhất là ở lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên.

Theo dõi sát những người thuộc nhóm nguy cơ cao: mắc bệnh rối loạn tâm thần, trẻ em, người già, người nghiện rượu, nghiện ma tuý, nghiện cờ bạc, người đã từng có ý tưởng/ hành vi tự sát trước đây.

Tự sát tùy thuộc mức độ sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý người bệnh, người thân và cộng đồng. Vì thế, khi thấy người thân của mình có những dấu hiệu bất thường về tâm lý, tâm thần, có hành vi toan tự sát hoặc tự sát, người bệnh cần sớm được đưa đến đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra, tư vấn và có các phương án điều trị cần thiết.