Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) cho biết, đối với phương pháp xét nghiệm test nhanh, mức thanh toán tối đa không quá 109.700 đồng/xét nghiệm.
Đối với phương pháp xét nghiệm bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mức thanh toán tối đa không quá 186.600 đồng/xét nghiệm.
Đối với phương pháp xét nghiệm Real-time PCR, mức thanh toán tối đa không quá 518.400 đồng/xét nghiệm.
Theo Cục CT&BVNTD, thông tư này áp dụng trong các trường hợp: thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; người sử dụng dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tự chi trả và các trường hợp được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trừ trường hợp dưới đây.
Thông tư không áp dụng đối với các trường hợp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm COVID-19 tại cộng đồng do ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Hiện có hai phương pháp xét nghiệm COVID-19 chính được Bộ Y tế công nhận và cấp phép thực hiện ở Việt Nam là xét nghiệm nhanh kháng nguyên và xét nghiệm Real Time Polymerase Chain Reaction (gọi tắt là xét nghiệm PCR).
Trong đó, phương pháp xét nghiệm PCR có độ chính xác cao hơn phương pháp xét nghiệm nhanh, có thể đạt tới 95% độ chính xác trong việc phát hiện virus trong cơ thể.
Cục CT&BVNTD cho hay, hầu hết trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã có các đơn vị triển khai thực hiện xét nghiệm COVID-19.
Đối với phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên, người tiêu dùng có thể đến các trung tâm y tế và bệnh viện huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…
Đối với phương pháp xét nghiệm PCR, người tiêu dùng có thể đến các đơn vị được Bộ Y tế cấp phép thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR ở các thành phố trực thuộc trung ương hoặc các Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ở các tỉnh, thành trên cả nước.