Gia Lai: Kinh doanh thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, 1 cơ sở bị phạt gần 60 triệu đồng

Trần Hoàng Quang

SKTD - Thông tin từ Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị mới đây đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ với mức tiền 57,5 triệu đồng.

Cục QLTT tỉnh Gia Lai cũng thông tin thêm, trước đó, vào ngày 20/9/2022, từ công tác quản lý địa bàn và bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Công an Thành phố Pleiku, tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh do bà Võ Thị Bảo Anh làm chủ tại địa chỉ 342 Cách Mạng Tháng 8, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

co-so-kinh-doanh-do-ba-vo-thi-bao-anh-1664241363.jpg

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh này đang bày bán 77 hộp thực phẩm chức năng dạng viên, trên nhãn hàng hóa ghi toàn tiếng nước ngoài, kiểm tra trên sản phẩm hàng hóa và tài liệu kèm theo Đoàn kiểm tra không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Qua làm việc bà Bảo Anh cho biết đây là thực phẩm chức năng làm đẹp da, mua trôi nỗi trên thị trường về bán kiếm lời và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản, niêm phong và tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm, hoàn chỉnh hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. 

Trước đó, vào ngày  26/7/2022, tại Km 610 tuyến quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Quảng Bình đón dừng phương tiện vận tải là xe ô tô đầu kéo BKS số 86H-4139, rơ moóc số 51R-003.06 do ông Nguyễn Xuân Lộc có địa chỉ tại Khu phố 2, phường Đức Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận điều khiển, đang di chuyển theo hướng Bắc – Nam để tiến hành kiểm tra theo thủ tục hành chính.

qltt-gl-1664241301.jpg

Vào lúc 13 giờ 50 phút cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 5 tiến hành khám phương tiện vận tải nêu trên. Qua quá trình khám phát hiện trên xe vận chuyển số tang vật vi phạm gồm: 19.000 đơn vị sản phẩm kính áp tròng; 9.809 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm; 2.520 đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng và 2.314 đơn vị sản phẩm dược phẩm sản xuất tại Thái Lan, Đức, Ý, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan và Hàn Quốc. Tại thời điểm kiểm tra (khám phương tiện), ông Nguyễn Xuân Lộc không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ hàng hóa nêu trên. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1,8 tỷ đồng.

Đội Quản lý thị trường số 5 đã thiết lập hồ sơ vụ việc, lập biên bản tạm giữ toàn bộ số tang vật nói trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.