Hiểu đúng về “hậu Covid-19”: Không phải bệnh nặng thì sẽ bị di chứng

Sức Khỏe News

Hậu Covid-19, nhiều người đối mặt các triệu chứng như ho kéo dài, khó thở, mệt mỏi,... khiến bản thân lo lắng và dễ rơi vào trạng thái suy kiệt sức khỏe.

Người bệnh tự mua thuốc uống vì lo “hậu Covid-19”

Sống trong trạng thái bình thường mới, người dân ít nhất đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Điều này khiến nhiều người cảm thấy việc trở thành F0 không còn nghiêm trọng như trước.

Mặc dù mắc Covid-19 không còn là mối lo, nhưng sau F0, người bệnh phải đối mặt với hàng loạt các di chứng như: Khó thở, rụng tóc, mất ngủ, đặc biệt là bị ảnh hưởng tâm lý. Qua các di chứng trên, nhiều người cho rằng bản thân mắc hội chứng “hậu Covid-19” nên tự ý mua thuốc để điều trị.

Chị Trần Ngọc Hiền cho biết, cách đây khoảng 2 tuần, chị cảm thấy đau đầu, mệt mỏi và đau họng. Chị xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính với Covid-19. Sau 1 tuần tự điều trị tại nhà, chị đã âm tính với Covid-19. Tuy nhiên, hết tuần tiếp theo, chị Hiền vẫn còn các triệu chứng ho kéo dài. Những cơn ho xuất hiện từ sáng đến đêm, cùng với triệu chứng khó thở khiến chị thường xuyên mất ngủ, cơ thể mỏi mệt.

Sau đó, chị Hiền đi khám tầm soát di chứng Covid ở một phòng khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị xơ phổi. Sau khi nhận kết quả, bác sĩ khuyên chị nên đến các bệnh viện để có phác đồ điều trị tổn thương phổi sau Covid-19, vì nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm phổi và có thể để lại di chứng sau này.

chuan-doan-hau-covid-1648516481.png
Chị Trần Ngọc Hiền được bác sĩ chẩn đoán bị xơ phổi sau khi mắc Covid-19.

“Nghe vậy tâm lý tôi càng thêm hoang mang, tìm mua đủ thứ thuốc trên mạng để uống, ai giới thiệu thuốc gì tôi cũng mua. Tốn kém bao nhiêu cũng được, chỉ mong sức khoẻ sớm phục hồi”, chị Hiền tâm sự.

Tương tự trường hợp chị Hiền, chị Phương Anh cũng vừa hết Covid-19 gần 1 tháng. Chị Phương Anh cho biết, sau F0 chị đã tiêu tốn hơn 1 triệu đồng để mua các loại thuốc kích thích mọc và hạn chế rụng tóc. “Nghe mọi người nói uống nước đậu đen rang sẽ đỡ rụng tóc, tôi cũng nghe theo mua về nấu uống. Tôi còn mua thêm các lọ thuốc, chai xịt kích thích mọc tóc nữa nhưng chưa thấy tình trạng được cải thiện”, chị Phương Anh cho biết.

Đáng nói hơn, chị Phương Anh hiện luôn trong trạng thái mệt mỏi, hụt hơi, mau quên, không tập trung, đặc biệt thường xuyên bị mất ngủ, có ngày chỉ ngủ được từ 1 - 2 tiếng.

“Có ngày mệt quá mà không ngủ được tôi phải dùng đến thuốc ngủ mới chợp mắt được một tí. Biết sử dụng các thuốc đó lâu dài sẽ không tốt, nhưng tôi không ngủ là ngày sau tôi không thể tập trung làm gì được cả”, chị Phương Anh nói.

Hiểu đúng về di chứng Covid-19

Các di chứng kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh. Do đó, thời gian qua, thông tin về “hậu Covid-19” luôn nhận được sự chú ý của người dân và các chuyên gia y tế. Đây là tình trạng khẩn cấp và cần được nhìn nhận nghiêm túc hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điều quan trọng cần nhớ là sự hiểu biết về Covid-19 và các di chứng vẫn đang còn tiếp tục nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng cũng như ảnh hưởng của nó lên người bệnh.

Theo khái niệm được cập nhật mới nhất từ WHO, di chứng Covid-19 là tình trạng bệnh nhân đã khỏi giai đoạn cấp tính của Covid-19. “Hậu Covid-19” được định nghĩa là bệnh xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 thường trong vòng ba tháng kể từ khi phát hiện Covid-19, với các triệu chứng kéo dài ít nhất hai tháng. Vì lẽ đó, Coviđ-19 thường được chẩn đoán ba tháng sau Covid-19, các triệu chứng này có thể đã có từ lúc mới nhiễm Covid-19 hoặc xuất hiện sau khi hồi phục.

kham-hau-covid-1648516529.jpeg
Bác sĩ CKII . Lê Trung Nhân - Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Chợ Rẫy đang thăm khám cho các bệnh nhân sau Covid-19

Trao đổi với PV Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, Bác sĩ CKII. Lê Trung Nhân - Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bất kỳ bệnh nhân nào đã nhiễm Covid-19 đều có thể gặp di chứng Covid-19, bao gồm người không triệu chứng, tới bệnh nhân có triệu chứng rất nặng phải điều trị trong đơn vị chăm sóc tích cực.

Các di chứng Covid-19 phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở, rối loạn giấc ngủ, giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng,… Đặc biệt, những bệnh nhân có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, hô hấp, viêm phổi,… dù đã khỏi Covid-19 vẫn có thể khiến tổn thương vốn có trở nên nặng hơn.

“Nghiên cứu cho thấy khoảng 10% – 20% bệnh nhân Covid-19 mắc các di chứng sau khi khỏi bệnh. Cũng không có mối liên hệ nào giữa mức độ nghiêm trọng ban đầu của nhiễm Covid-19 với khả năng bị di chứng. Tức là bệnh nhân có thể mắc Covid-19 nặng, sau khi khỏi bệnh lại không gặp vấn đề gì, còn nhiều người nhiễm Covid-19 ở thể nhẹ nhưng sau đó lại mắc các di chứng kéo dài”, Bác sĩ Nhân nói.

kham-hau-covid-2-1648516574.jpeg
Bệnh nhân khi nghi ngờ mắc hậu Covid-19 cần đến ngay các bệnh viện chính thống để thăm khám, điều trị kịp thời

Cũng theo Bác sĩ Nhân, cách tốt nhất để bảo vệ mình trước các di chứng sau Covid-19 chính là “tránh bị nhiễm Covid-19”. Trường hợp người bệnh cảm thấy gặp các di chứng Covid-19 nên thăm khám để được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Hiện rất khó để dự đoán được di chứng Covid-19 sau khi điều trị sẽ kéo dài bao lâu, nhưng lưu ý rằng tình trạng bệnh nhân sẽ cải thiện theo thời gian.

“Việc nhiều người tin vào các bài thuốc điều trị di chứng Covid-19 trên mạng là không nên, mà phải tìm đến các cơ sở y tế chính thống. Tại đây, bác sĩ sẽ xác định và có các hướng dẫn cần thiết để kiểm soát các triệu chứng bệnh”, Bác sĩ Nhân nhấn mạnh.

Đến nay, trên thế giới cũng như Việt Nam chưa có phác đồ chính thức điều trị các di chứng Covid-19. Ngoài ra, do Covid-19 là căn bệnh mới nên cũng chưa có nhiều nghiên cứu, phân tích, tài liệu khoa học về các triệu chứng Hậu Covid . Tuy nhiên, thông tin từ WHO cho thấy, việc chăm sóc toàn diện, bao gồm cả phục hồi chức năng có thể hữu ích cho người bệnh.

Bác sĩ CKII. Lê Trung Nhân - Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo các bệnh nhân gặp di chứng Covid-19 cần phải chăm sóc, theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện:

 - Tập thở: Hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã, nhịp độ tăng lên từng ngày.

 - Tập thể dục: Vận động nhẹ nhàng như đi bộ chậm, tập dưỡng sinh… đảm bảo 30 phút hàng ngày.

 - Đi bộ: mục tiêu 10.000 bước/ngày đối với người trưởng thành.

 - Dinh dưỡng: Chia bữa ăn thành 3-5 bữa mỗi ngày. Kết hợp đa dạng thức ăn trong khẩu phần, ăn nhiều rau củ quả, uống đủ nước…

 - Chăm sóc sức khoẻ tinh thần: Ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn