Phi đội Contracting Squadron thứ 36 của Không quân Mỹ ở Căn cứ Không quân Andersen, Guam đã lên kế hoạch vận chuyển 77 tủ đông âm sâu trị giá gần 691 nghìn USD để cung cấp cho Việt Nam.
Số tủ đông âm sâu này sẽ cung cấp cho 63 tỉnh thành ở Việt Nam và 14 tủ đông lớn hơn cấp cho Bộ Y tế nhằm bảo quản 31 triệu liều vắc xin COVID-19 của Pfizer về Việt Nam vào ngày 30/8 này.
Theo thông tin từ Căn cứ Không quân Andersen, họ đã hợp tác với chính phủ Việt Nam để hỗ trợ phòng chống COVID-19 bằng cách mua và gửi 77 tủ đông nhiệt độ thấp bảo quản vắc xin. Việc mua tủ đông này đáp ứng với lời yêu cầu chính thức của Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam đối với Hoa Kỳ khi trước đó, Việt Nam đã mua 31 triệu vắc xin Pfizer-BioNtech COVID-19. Số lô vắc xin này sẽ đến Việt Nam trước ngày 30/8 tới.
“Việc mua sắm này thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với sức khỏe và sự an toàn của người Việt Nam bằng cách hỗ trợ nhân đạo cho họ trong đại dịch COVID-19”- thành viên Christian Luevano sĩ quan phụ trách thương vụ của phi đội Contracting Squadron thứ 36, cho biết.
Một giao dịch mua bán như thế này thường mất từ 45-120 ngày để điều phối và xử lý nhưng Luevano và nhóm của anh ấy đã làm việc cả những đêm muộn và cuối tuần để hoàn tất hợp đồng chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần. Luevano cho biết: “Thách thức chính đối với nhóm là sự rút ngắn thời gian và sự phối hợp do tất cả các bên đều ở các múi giờ khác nhau.”
Phi đội Contracting Squadron 36 đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại Việt Nam như thiếu tá Wei Yuan, trưởng phòng hợp tác quốc phòng tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Với tư cách là giám đốc hợp tác quốc phòng, vai trò của Yuan là xác định những thiếu hụt năng lực ở các nước đối tác, sau đó tìm cách bù đắp cho những thiếu hụt đó để mang lại lợi ích chung cho cả Hoa Kỳ và Việt Nam. Yuan cho biết: “Điều này không chỉ giúp Việt Nam tăng cường khả năng phân phối vắc xin có yêu cầu bảo quản đặc biệt, mà còn thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc hợp tác với các đối tác trên toàn cầu nhằm chấm dứt sự tàn phá sức khỏe cộng đồng và những tác động kinh tế do đại dịch này”.
Lâm Nguyễn