Kit test cúm A loạn giá thị trường, chuyên gia khuyến cáo

Trần Hoàng Quang

SKTD - Nhu cầu mua kit test cúm A tăng đột biến đã khiến thị trường chợ đen lũng đoạn, đẩy giá lên cao gây tâm lý hoang mang ảnh hưởng đời sống của người dân. Các chuyên gia đã đưa ra các khuyến cáo cho người tiêu dùng.

Số mắc cúm A tăng nhanh với một số ca biến chứng nặng khiến người dân lo lắng. Nhu cầu của người dân tăng đột biến, giá thuốc Tamiflu và kit xét nghiệm cúm A tại Hà Nội vì thế cũng gia tăng. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận hơn 2.600 trường hợp mắc cúm. Nếu như từ tháng 1/4/2022, số ca mắc dưới 400 trường hợp/tháng thì từ tháng 5/2022, số mắc tăng cao. Đặc biệt, trong tháng 6/2022 ghi nhận đến 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với tháng 5 (556 ca). Trong 2 tuần đầu tháng 7, riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm.

Trước tình trạng dịch cúm A đang gia tăng, nhiều người đã lên mạng tìm mua kit test khiến thị trường mặt hàng này trở nên nhộn nhịp. Chỉ cần gõ tìm kiếm từ khóa test cúm A, người dân "choáng" với đầy đủ các loại và mỗi nơi một giá khác nhau. Giá các loại kit test này có giá từ vài chục cho đến hơn 200.000 đồng/kit. 

kit-test-cum-a-1659696130.jpg

Trước tình hình trên, các chuyên gia nhận định người dân không nên đổ xô mua kit test bởi vô hình chung lại càng gây hoang mang trong cộng đồng, đẩy giá các loại thuốc cũng như kit test lên cao, một số tư thương trục lợi. Chưa kể, các loại kit test được rao bán trên mạng chưa có khẳng định về chất lượng, dẫn đến nguy cơ không chính xác, làm sai lệch trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM cũng cho biết test cúm A khá nhạy, khi sốt ngày đầu tiên nếu thực hiện test có thể ra kết quả (dương tính hoặc âm tính). “Độ chính xác cao nhưng người dân không cần thiết phải test”, BS Khanh chia sẻ.

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2 gây ra. BS Trương Hữu Khanh, cho biết bệnh cúm có thể tự khỏi. Khi sốt quá cao, cần loại trừ mắc sốt xuất huyết, người dân mới nên test.

Người có yếu tố nguy cơ như lớn tuổi, suy giảm miễn dịch có bệnh nền (tiểu đường, huyết áp…), phụ nữ mang thai… nên tới cơ sở y tế để được test nhằm có kết quả chính xác. BS Khanh không khuyến cáo người dân tự test vì có thể kết quả sai dẫn đến xử trí bệnh sai ví dụ uống thuốc không đúng gây kháng thuốc…

“Tại cơ sở y tế, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định có nên test hay không. Việc test tràn lan gây lãng phí và có thể kết quả không chính xác. Điều trị tại nhà cúm A như các bệnh về viêm đường hô hấp trên. Người bệnh sử dụng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng virus”, BS Khanh khẳng định.

Một chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm cho biết thêm, về bản chất các loại test nhanh kháng nguyên cúm A phổ biến trên thị trường hoạt động theo nguyên lý tương tự nhau là phương pháp sắc ký miễn dịch.

Sau khi xuất hiện các triệu chứng của cúm như: ho, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh... 24 tiếng là thời điểm thích hợp nhất có thể làm xét nghiệm để biết được có bị cúm hay không.  

Trong trường hợp xét nghiệm cúm A dương tính, người dân chỉ sử dụng thuốc kháng virus như Tamiflu khi đã thăm khám và có chỉ định của bác sĩ. Các triệu chứng cúm A nhẹ có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi nhiều và uống đủ nước.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, với test nhanh độ chính xác trung bình chỉ đạt khoảng 70 - 80%.