Hai nghiên cứu mới đưa ra lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng kháng sinh không phải loại thuốc vô hại và chỉ nên dùng chúng khi cần thiết.
Dưới sự hợp tác quốc tế giữa các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu lý do tại sao bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng sinh có xu hướng bị nhiễm nấm cao hơn. Trọng tâm là bệnh nấm Candida xâm lấn đặc biệt nguy hiểm.
Nhiều người có thể quen thuộc với tưa miệng, bệnh nhiễm trùng nấm men thông thường, do sự khởi phát và tấn công của Candida gây ra. Nhìn chung, những nhiễm trùng này phát triển bên ngoài cơ thể nhưng ở một số người, chúng sẽ xâm nhập vào máu dẫn đến nhiễm nấm Candida xâm lấn.
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida xâm nhập qua đường ruột. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa rõ quá trình đó diễn ra như nào.
Qua các thử nghiệm trên động vật, nghiên cứu mới khẳng định rằng việc sử dụng kháng sinh khiến động vật nhiễm vi khuẩn và nấm cùng một lúc, từ đó ốm nặng hơn những con vật không được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Rebecca Drummond, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích: “Chúng tôi tiến hành phân tích tế bào miễn dịch trong ruột, tìm ra quá trình kháng sinh ngăn chặn phản ứng miễn dịch chống nấm. Các tế bào này đã tạo ra protein nhỏ cytokine gửi tín hiệu đến tế bào khác. Thuốc kháng sinh làm giảm lượng cytokine trong ruột. Chúng tôi cho rằng đây là một phần nguyên nhân khiến những con chuột được điều trị bằng thuốc kháng sinh không thể kiểm soát nhiễm nấm trong ruột hoặc ngăn vi khuẩn thoát ra ngoài”.
Sau đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc điều trị bằng cytokine tăng cường miễn dịch có thể giúp chống lại tác hại của thuốc kháng sinh. Phát hiện này mở ra phương pháp điều trị tiềm năng cho những người có nguy cơ nhiễm nấm cao nhưng cần thuốc kháng sinh quan trọng.
Trong nghiên cứu thứ hai, các nhà khoa học đã phát hiện ra mối tương quan đáng kể giữa việc sử dụng kháng sinh và sự phát triển của bệnh viêm ruột (IBD) ở những người trên 60 tuổi.
Trưởng nhóm nghiên cứu Adam Faye từ Trường Y Grossman NYU cho biết: “Ở người lớn tuổi, chúng tôi nghĩ rằng các yếu tố môi trường quan trọng hơn di truyền. Nhìn chung, những bệnh nhân trẻ hơn được chẩn đoán Crohn và viêm loét đại tràng có tiền sử gia đình mắc bệnh. Tuy nhiên, đối với người lớn tuổi, điều kiện môi trường có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh lý”.
Thông qua hồ sơ sức khỏe trong khoảng 20 năm của hơn hai triệu người ở độ tuổi từ 60 đến 90 tuổi, nghiên cứu phát hiện ra một đợt kháng sinh làm tăng 27% nguy cơ phát triển IBD của một người trong vòng 5 năm, hai đợt tăng nguy cơ lên 55%,... và năm đợt trở lên tăng nguy cơ mắc IBD lên 236%.
Những vấn đề sức khỏe sẽ xuất hiện chủ yếu trong một đến hai năm đầu tiên sau khi sử dụng kháng sinh.
Nhà nghiên cứu Faye cho biết trong tương lai, nghiên cứu cần phải xác định những cơ chế tạo nền tảng cho sự liên kết này. Ông suy đoán sự gián đoạn do kháng sinh gây ra đối với hệ vi sinh vật đường ruột có thể đóng một vai trò nhất định trong mối quan hệ này.
Cuối cùng, ông khẳng định những phát hiện này không cảnh báo mọi người tránh sử dụng thuốc kháng sinh, nhất là đối với các bệnh nhân cần loại thuốc này để điều trị nhiễm trùng. Tuy nhiên, ông khuyến nghị trong trường hợp không bị nhiễm trùng rõ ràng, các bác sĩ cần thận trọng hơn khi kê thuốc kháng sinh cho bệnh nhân lớn tuổi.