Nỗi lòng người ở lại

Lâm Ngọc

Từ trước đến nay, người ta thường nói về nỗi lòng người đi, đó là sự hoài niệm, tiếc nuối, nỗi buồn man mác khi nhớ về miền ký ức, nơi ta từng sống, người ta từng gắn bó.

Không nghĩ có ngày, tôi tâm tư nhiều đến thế về nỗi lòng người ở lại, người bị mất người thân trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư càn quét vào  “tâm dịch” TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Sáng hôm qua, tôi đọc một bài báo viết về Vũ, người đàn ông 45 tuổi bị tật bẩm sinh bởi chất độc da cam, thính giác kém, đi đứng, nói năng khó khăn, mấy chục năm nay được mẹ chăm chút, bỗng một ngày dịch COVID-19 đã cướp đi mẹ và em gái. Lúc đó tôi đã khóc, tôi cảm nhận rõ tiếng gọi mẹ của Vũ, dù chỉ là đọc được trên trang báo. “Con nhớ mẹ và em quá!”

Có lẽ Vũ và ba anh, cũng như nhiều gia đình có người thân là nạn nhân của đại dịch COVID-19 vẫn chưa hết bàng hoàng. Sự ra đi đột ngột của người thân luôn khiến nỗi đau của người ở lại bị nhân lên, bởi họ khó chấp nhận được sự thật quá đau lòng ấy.

Tôi lại nhớ về một ngày đầu tháng 8, đó là thời gian thành phố vào đợt cao điểm của giãn cách xã hội. Dù được tiêm vaccine và thích xông pha như tôi cũng phải “án binh bất động” vì khu tôi sống bị phong toả. Không khí trong nhà luôn chùng xuống bởi những cuộc điện thoại của người quen, bạn bè nhờ hỏi tin tức người thân nhập viện bị mất liên lạc. Thông tin tôi hỏi được lúc ấy phần lớn là “Bệnh nhân đang thở máy, tiên lượng tử vong cao”. Ngoài phố, tiếng còi xe cấp cứu như không dứt. Lâu lâu, người quen báo tin, em Bình, bác Hạnh đã ra đi. Một người bạn tôi khóc như đứa trẻ khi không thể gặp em trai lần cuối: “Em ấy ra đi cô đơn và lạnh lẽo quá”. Tôi cũng chỉ biết động viên bạn mạnh mẽ lên, vì đâu đó, mỗi giờ, mỗi ngày là hàng chục, hàng trăm người đều ra đi lặng lẽ như vậy. Thử hỏi, người ở lại có đau lòng không?.

Vào 19h, ngày 19/11 tới, Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và TPHCM sẽ tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, chiến sĩ hy sinh do COVID-19 tại hội trường Thống Nhất và TP Thủ Đức, cùng các quận huyện khác. Theo thống kê, có 22.500 người mất trong đại dịch COVID-19 bùng lên lần thứ 4.

Nghi lễ này được đông đảo người dân ủng hộ. Bởi, lễ tưởng niệm là nén nhang lòng của người dân cả nước gửi đến những người đã khuất, và sự chia sẻ mất mát với nỗi đau không gì có thể bù đắp với những người ở lại. Đó là cảnh vợ mất chồng, mẹ mất con, cảnh những đứa trẻ mồ côi mà chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra…

Tôi nghĩ đến ngày 19/11 ấy, mọi người sống trên mảnh đất bao dung, nghĩa tình này, sẽ cùng nhau dành phút mặc niệm, có thể trực tiếp, có thể qua truyền hình, cầu siêu cho đồng bào, chiến sỹ đã mất do đại dịch để xoa dịu nỗi đau những người ở lại, để giúp họ mạnh mẽ bước tiếp, sống tốt, sống thay cho những người thân đã ra đi.

Quan trọng hơn, lễ tưởng niệm cũng giúp chúng ta có trách nhiệm hơn với cuộc sống này, giàu lòng tương thân tương ái, lòng dân tộc với những hoàn cảnh, số phận vừa trải qua mất mát. Lễ tưởng niệm cũng giúp con người thức tỉnh, có ý thức bảo vệ môi trường và nhân loại. Bởi, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không loại trừ một ai.

Ngọc Lâm Trần