Sáng 7/10, tại buổi làm việc của đoàn Đại biểu Quốc hội với Sở Y tế và lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn thành phố về vấn đề tự chủ, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, PGS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM đãcó những chia sẻ xoay quanh vấn đề sự chênh lệch lương giữa các cơ sở y tế đang ảnh hưởng đến sự công bằng trong lao động.
Theo BS Thượng, càng ngày sự chênh lệch về thu nhập giữa các cơ sở y tế trên cơ sở so sánh càng gia tăng trong khi sức lao động của nhân viên y tế giữa các cơ sở chưa chắc đã có sự khác biệt. "Nhân viên y tế tại các cơ sở công lập làm việc với cường độ, công sức gần như tương đương nhưng thu nhập khác biệt đang tạo ra sự mất công bằng”Từ thực tế trên, người đứng đầu Sở Y tế bày tỏ sự băn khoăn trong việc tìm cơ chế để điều tiết về sự mất cân bằng. Cụ thể, Nghị định 60 vừa ra đời, có nội dung đề cập đến quỹ thu nhập tăng thêm là từ ngân sách. Do đó, các chính sách sắp tới cần xem xét để có phương án điều tiết. Có nơi thì chênh lệch thu chi có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, có nơi thì chênh lệch thu chi âm. Cần phải có giải pháp điều tiết từ ngân sách để nhân viên y tế vẫn còn động lực để làm việc và cống hiến”- BS Thượng nêu.
Liên quan đến vấn đề trên, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM bày tỏ sự trăn trở. “Thực tế khi chúng tôi đi khảo sát tại các bệnh viện cho thấy, thu nhập của nhân viên y tế chưa tương xứng với công sức và trí tuệ của họ. Hiện nay, thu nhập trung bình của các bác sĩ nếu không tính các khoản chi phí cộng thêm từ phẫu thuật thì mỗi người chỉ có thu nhập khoảng 13 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu nhập chưa phù hợp, rất khó để giữ chân các bác sĩ làm việc trong hệ thống y tế công lập vì thu nhập của bác sĩ ở y tế tư nhân có sự khác biệt rất lớn”.
Từ những thực trạng của ngành y tế đang gặp phải được đưa ra tại buổi làm việc, đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM đã ghi nhận góp ý của Sở Y tế và cho biết sẽ có văn bản trình Quốc hội xem xét để có điều chỉnh phù hợp khi tiến hành sửa đổi Luật khám chữa bệnh trong thời gian tới.