Suýt mất mạmg với “thần dược” tan mỡ ở các cơ sở thẩm mỹ chui

Lâm Ngọc

Bệnh viện Chợ Rẫy thời gian qua tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng sau khi dùng một loại kem làm tan mỡ có tên Lipostabil. Các chuyên gia cảnh báo loại “thần dược” đang quảng cáo tràn lan này có thể cướp đi tính mạng của người dùng

TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng - tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 18.11 cho biết, các bác sĩ vừa phẫu thuật cứu sống thành công 2 bệnh nhân nữ gặp biến chứng nặng sau khi dùng thuốc tan mỡ tại cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP HCM.

Hai bệnh nhân N.T.P.D (38 tuổi) bị hoại tử vùng bụng, 2 đùi và phải phẫu thuật 2 lần vết thương mới lành. Còn bệnh nhân T.C.N.A (29 tuổi) có tình trạng nặng hơn, phải trải qua 6 lần phẫu thuật. Hiện cả hai đã ổn định sức khoẻ.

Trước đó, chị A. sau khi đọc được thông tin quảng cáo tan mỡ của Cơ sở thẩm mỹ Olux trên Facebook đóng tại quận 1 nên đăng ký dịch vụ làm tan mỡ. Theo chị A. để thực hiện gói tan mỡ đùi và bụng chị bỏ ra chi phí 13 triệu đồng. “Họ tiêm vào 2 bên hông, bụng nói sẽ giúp tan mỡ nhanh chóng. Thế nhưng, 10 ngày sau tôi xuất hiện triệu chứng sưng, đau, chảy dịch. Do đó, cơ sở này sắp xếp cho tôi phẫu thuật tại 4 nơi khác nhau để điều trị biến chứng. Tuy nhiên, cả 4 lần phẫu thuật nhưng bệnh ngày càng nặng thêm nên tôi quyết định đến BV Chợ Rẫy" - chị A. kể lại.

z2943405440964f214c426216da76ad8affbe2d8b8cd06-16371519367311340863002-1637205800.jpeg Trải  qua 6 lần phẫu thuật, bệnh nhân T.C.N.A, 29 tuổi đã ổn định sức khoẻ. 

Theo bác sĩ Hiệp, hai bệnh nhân D. và A. nhập viện đều trong tình trạng nhiễm trùng, hoại tử và được phẫu thuật nhiều lần trước đó. Đặc biệt, bệnh nhân A. còn bị mất máu quá nhiều khiến sức khỏe kém. Bác sĩ Hiệp cho biết, loại thuốc tan mỡ trên khi tiêm vào cơ thể đã gây nhiễm trùng lan rộng. Thuốc có cơ chế làm tan tế bào mỡ, đồng thời làm tan tế bào thần kinh, mạch máu và mô liên kết khiến vết thương mãi không lành.

Thuốc tan mỡ Lipostabil với thành phần chính là Phosphatidylcholin từng được cảnh báo thiếu an toàn và không hiệu quả từ năm 1975 tại Đức. Thế nhưng, thuốc vẫn sử dụng tại một số nước trên thế giới. Năm 2020, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và nhiều quốc gia chính thức cảnh báo và cấm sử dụng Lipostabil với mục đích làm tan mỡ. Tại Việt Nam, kỹ thuật này chưa được cấp phép. 

Hoàng Anh