Tái định vị với thương hiệu LG Clinic có làm Little Garden Spa hết tai tiếng?

Lâm Ngọc

Hệ thống Little Garden Spa đã chính thức tái định vị với thương hiệu mới là Viện Thẩm Mỹ Quốc Tế LG Clinic. Tuy nhiên, những lùm xùm với các khách hàng khi còn sử dụng tên gọi Little Garden Spa vẫn chưa được thương hiệu này giải quyết xong.

Lâu nay, hệ thống Little Garden Spa (hay được biết đến với tên mới là Viện thẩm mỹ LG Clinic) định vị trở thành thương hiệu thẩm mỹ hàng đầu trong lòng khách hàng với nhiều chi nhánh tại TP.HCM.  

Thế nhưng thời gian qua, hệ thống này lại thường xuyên bị khách hàng phản ánh vì có dấu hiệu “lừa dối khách hàng”, tiêm chất không rõ nguồn gốc vào cơ thể người. 

Cụ thể, chị Nguyễn Thị D.K. (ngụ Đồng Tháp) cho biết ngày 26/4/2024, chị đến chi nhánh Little Garden Spa tại 461 Bà Hạt, Phường 8, Quận 10, TP.HCM để được điều trị mụn và tiêm mesotherapy lên mặt. Sau đó, mặt chị K. bắt đầu nổi mụn và tình trạng ngày càng trầm trọng hơn.

Đến đầu tháng 5/2024, chị K. báo cáo vấn đề này với nhân viên của Little Garden Spa nhưng phía cơ sở cho rằng da chị K. bị dị ứng nên sẽ hết sau một thời gian ngắn. 

Từ tháng 5/2024 đến 6/2024, chị K. đã đến Little Garden Spa để 2 lần (cơ sở ở Quận 10 và cơ sở ở 200 Lê Lai, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP.HCM) để điều trị mụn và tiêm mesotherapy nhưng không có hiệu quả.  

“Họ chỉ cho tôi một số đơn thuốc và yêu cầu tôi mua thuốc để uống và tự bôi. Tuy nhiên, những loại thuốc này không có tác dụng và mụn trên mặt tôi ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Tôi cũng không rõ chất mesotherapy mà họ tiêm có nguồn gốc như thế nào, chất lượng ra sao vì không được giải thích rõ ràng”, chị K. nêu. 

little1-1681715868284
 Địa chỉ 461 Bà Hạt, Phường 8, Quận 10, TP.HCM là nơi hoạt động của Phòng khám Little Garden Clinic and Beauty.

Ngày 13/6/2024, chị K. đã đến một phòng khám da liễu để điều trị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán lớp bã nhờn trong da của chị K. đã bị tổn thương khiến da không hô hấp được và viêm da cấp độ 5 (cấp độ nặng).  Điều đáng nói, chị K. không phải khách hàng duy nhất có những trải nghiệm không tốt tại hệ thống Little Garden Spa.

Trên các hội nhóm review dịch vụ spa, nhiều khách hàng cũng đã có những chia sẻ về trải nghiệm tệ của mình khi sử dụng dịch vụ tại thương hiệu này.  

Liên quan đến những thông tin phản ánh, PV đã liên hệ để trao đổi với hệ thống Little Garden Spa tuy nhiên đã gần 2 tháng trôi qua vẫn không nhận được phản hồi. Theo tìm hiểu của PV, thương hiệu này cũng từng bị cơ quan chức năng xử phạt và đình chỉ hoạt động một số cơ sở, chi nhánh vì những sai phạm trong quá trình hoạt động. 

Cụ thể, ngày 31/3/2023, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã ra quyết định xử phạt đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hamier Việt Nam (chủ sở hữu hệ thống Little Garden Spa) tại địa chỉ 461 Bà Hạt, Phường 8, Quận 10.

Theo đó, Little Garden Spa vi phạm 4 lỗi nghiêm trọng. Thứ nhất, sử dụng các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể tại cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.

boc phot

Nhiều khách hàng cũng tỏ ra không hài lòng khi trải nghiệm dịch vụ tại đây. 

Thứ 2, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với giá trị lô hàng vi phạm hơn 16 triệu đồng.

Thứ 3, hoạt động có biển hiệu không đủ các thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật.

Thứ 4, không niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Với những sai phạm trên, đơn vị này bị phạt 84 triệu đồng. Ngoài ra, Little Garden Spa cũng bị tước giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc da, tư vấn duy trì về sắc đẹp thời hạn 4,5 tháng. 

Tại Little Garden Spa, cơ quan chức năng còn phát hiện nhân viên Trần Thị Ngọc Linh khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Do đó, người này bị phạt 35,1 triệu đồng.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Phan Thúy - Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho 200 - 500 bệnh nhân gặp sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa. Trong đó, 69% tai biến liên quan thủ thuật tiêm chích, 16% liên quan thủ thuật laser và ánh sáng, 10% do làm đẹp bằng hóa chất... Nhiều trường hợp sau khi tiêm các chất không rõ nguồn gốc đã bị biến chứng dẫn đến mù mắt phải, không thể cứu chữa. 

Còn ông Hồ Văn Hân - Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM – nhận định ranh giới giữa y tế và phi y tế là một thách thức lớn trong quản lý Nhà nước. TP.HCM hiện có 772 bệnh viện, phòng khám cung cấp dịch vụ thẩm mỹ thuộc quản lý của ngành y tế, nhưng có đến gần 3.900 cơ sở thẩm mỹ phi y tế (spa, chăm sóc da...) lại không thuộc quản lý của ngành y tế. 

Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng thẩm mỹ không an toàn là do các cơ sở thẩm mỹ vì lợi nhuận mà cố tình không tuân thủ quy định. Song song đó, quy định pháp luật hiện nay vẫn còn những khoảng trống chưa phù hợp thực tiễn, chưa đủ răn đe. Ngoài ra, năng lực hành nghề của người thực hiện phẫu thuật chưa đáp ứng yêu cầu; quảng cáo trên mạng xã hội chưa thực sự được kiểm soát tốt dẫn đến thông tin không được kiểm chứng, người dân bị dẫn dắt, trục lợi; tâm lý người dân muốn sử dụng dịch vụ đẹp nhưng rẻ,… 

Để chấn chỉnh các dịch vụ làm đẹp, hạn chế tai biến thẩm mỹ, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kêu gọi người dân tiếp tục cung cấp thông tin về vi phạm cho cơ quan chức năng. Đồng thời, các đơn vị tăng cường báo cáo nhanh khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ biến chứng thẩm mỹ.

Theo Tân Nguyên/SHTT