Thu giữ nhiều sản phẩm BVSK nghi hàng giả tại 'chợ thuốc' Hapu

Sức Khỏe News

Đội Quản lý thị trường số 12 (Hà Nội) vừa tạm thu giữ nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Trung tâm phân phối dược phẩm và TTBYT Hapu (Thanh Xuân, Hà Nội) vì nghi là hàng giả, hàng nhái.

Mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn là một trong những mặt hàng thường xuyên bị làm giả, làm nhái với nhiều chiêu thức tinh vi. Trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã từng nhiều lần triệt phá những vụ buôn bán hàng giả với quy mô lớn.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 12 (Hà Nội) vừa tiến hành kiểm tra và đã tạm thu giữ số lượng không nhỏ thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Trung tâm phân phối dược phẩm và TTBYT Hapu (Thanh Xuân, Hà Nội) vì nghi là hàng nhái, hàng giả.

Một cán bộ Đội Quản lý thị trường số 12 cho biết, ngay sau khi nhận được đơn trình báo về việc một công ty đang kinh doanh, buôn bán tại Trung tâm phân phối dược phẩm và TTBYT nghi phân phối hàng giả bảo vệ sức khỏe, nên đã tiến hành kiểm tra đột xuất.

thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-1638753157.jpeg

“Quá trình kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện và thu giữ sản phẩm bị “tố” là hàng nhái, hàng giả. Hiện số lượng thực phẩm bảo vệ sức khỏe này đã bị thu giữ, chúng tôi sẽ phối hợp cùng với Cục Sở hữu trí tuệ để xác minh làm rõ. Nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật”, vị cán bộ này cho hay.

Có thể thấy, tình trạng bát nháo của sản phẩm TPBVSK hiện nay đáng báo động. Trên một số phương tiện truyền thông, đặc biệt trên mạng xã hội như Facebook, loại sản phẩm này đang làm mưa làm gió với những lời quảng cáo không đúng bản chất, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Không chỉ vậy, nhiều tổ chức, cá nhân lấy danh nghĩa tặng quà từ thiện nhưng thực chất là bán TPBVSK, mạo danh danh nghĩa cơ quan y tế, cơ quan quân đội, công an để bán sản phẩm. Một số dược sĩ, bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đã tiếp tay cho một số loại sản phẩm này bằng cách nói quá công dụng của sản phẩm, quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh.

Khi mà thị trường mua bán hàng trực tuyến (online) đang phát triển nhanh bởi sự tiện lợi của nó thì tình trạng sản phẩm không rõ địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, người giao hàng thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo. Người tiêu dùng thì hoàn toàn thiếu thông tin, không có chuyên môn phân biệt thật-giả.

Thời điểm cuối năm, vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường càng có xu hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp, ở nhiều lĩnh lực khác nhau.

Hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính như làm mất uy tín của doanh nghiệp.

Theo cơ quan Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), tính đến tháng 10/2021, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra gần 2.500 vụ việc, phát hiện, xử lý trên 2.300 vụ vi phạm (bao gồm hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 18 tỷ đồng.