Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng, Sở Y tế TP.HCM nêu 3 vấn đề đang đặt ra đối với ngành y tế TP.HCM: Khả năng thiếu vaccine sởi và bạch hầu; nhiều người trên 18 tuổi không thuộc nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng muốn được ưu tiên tiêm mũi tăng cường thứ 2 (mũi 4); một số bệnh viện tự chủ gặp khó khăn về nguồn thu do chưa thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ đã đặt hàng các đơn vị sản xuất 8 loại vaccine, trong đó có vaccine sởi. Về tiêm vaccine phòng Covid-19, TP.HCM triển khai rất tích cực việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi tăng cường thứ 2 (mũi 4) theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thành phố cần có văn bản đề xuất để Bộ Y tế cân đối vaccine trên cả nước để Thành phố hoàn thành tiêm mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn và các đối tượng khác một cách phù hợp.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đồng tình với kiến nghị đổi mới cơ cấu và tổ chức trạm y tế, không phân bổ trạm y tế theo hệ thống hành chính (mỗi phường, xã, thị trấn có trạm y tế) mà theo khu vực và quy mô dân số (cứ mỗi khu vực có 10.000 dân thì có một trạm y tế); bổ sung định mức số lượng người làm việc, loại hình nhân viên y tế của trạm y tế bảo đảm phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của trạm (bên cạnh bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ, cần quan tâm đến loại hình nhân viên y tế công cộng), theo chinhphu.vn.
TP.HCM đứng trước nguy cơ thiếu thuốc.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh TP.HCM không chỉ là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học quan trọng hàng đầu của cả nước mà luôn luôn là "cái nôi" của đổi mới, đồng thời là điểm tựa phát triển của cả vùng.
Trong khi đó, nhiều chính sách hoạch định chung cho cả nước khi áp dụng vào thực tiễn của Thành phố nảy sinh những vướng mắc cụ thể cũng như để lại nhiều kinh nghiệm quý. Với các quy định luật pháp hiện nay Thành phố cần áp dụng một cách sáng tạo để tháo gỡ một số vấn đề đúng thẩm quyền. Phó Thủ tướng đề nghị TP.HCM lập nhóm công tác làm việc, trao đổi thường xuyên, chặt chẽ với các bộ, ngành để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc.
Trước đó, nhiều bệnh viện tại TP.HCM đã phản ánh diễn ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Nguyên nhân là do ngành y tế sợ sai phạm trong quá trình đấu thầu và mua vật tư.
Không chỉ TP.HCM mà nhiều tỉnh thành trên cả nước cùng có chung tình trạng trên. Trước thực tế đó, Bộ y tế đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, tác động của việc thiếu hụt này tới chất lượng khám chữa bệnh.
Theo đó, 4 đoàn kiểm tra của Bộ y tế sẽ kiểm tra các khu vực: Đồng bằng sông Hồng trung du và miền núi phía Bắc (25 tỉnh, thành phố), vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố), vùng Tây Nguyên và Đông nam bộ (11 tỉnh, thành phố), vùng đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành)
Các đoàn kiểm sẽ tra lập danh sách các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố; lựa chọn kiểm tra 1-2 bệnh viện trực thuộc bộ và 1 – 2 bệnh viện tỉnh trong vùng.
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế được cho là đang diễn ra ở nhiều nơi. Mới đây, Bộ Y tế có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ nhiều quy định liên quan.
Theo thống kê từ 34 Sở Y tế, 21 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy: 40/55 Sở Y tế và bệnh viện Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc.
Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền…
Tại tờ trình, Bộ Y tế xác định nguyên nhân thiếu thuốc một phần do tình trạng hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc, nhân lực quản lý nhà nước quá ít, khó khăn trong xử lý hồ sơ. Việc chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc, một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung, nên các đơn vị lúng túng, e ngại.
Đặc biệt, Bộ Y tế thừa nhận có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị mặc dù thuộc thẩm quyền mua sắm.