Theo đó, quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện sẽ được kích hoạt để huy động lực lượng chuyên môn ứng cứu cho những trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết ngưng tim, ngưng thở đột ngột. Người bệnh sốt xuất huyết nặng có suy hô hấp, suy tuần hoàn nhưng không thể tiếp cận được đường thở hoặc mạch máu.
Theo Sở Y tế, TP. HCM, quy trình trên cũng sẽ được áp dụng với người bệnh sốc sốt xuất huyết, suy tạng nặng, không đáp ứng điều trị hồi sức tích cực hoặc vượt khả năng điều trị của cơ sở y tế nhưng không thể chuyển viện an toàn; người bệnh sốt xuất huyết nặng, không đáp ứng điều trị nội khoa, cần can thiệp mạch máu khẩn cấp nhưng ngoài khả năng của bệnh viện và có nguy cơ tử vong trong trường hợp chuyển viện.
Bên cạnh đó, HCDC khuyến cáo, khi có dấu hiệu sốt cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc và bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến ngày 9/10/2022 trên địa bàn thành phố đã có gần 64.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 26 ca tử vong. Bệnh đã tăng 627,6% với cùng kỳ năm trước (năm 2021 là 8.860 ca); số ca sốt xuất huyết nặng là 1.421 ca, tỷ lệ ca bệnh nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 2,2% tăng hơn 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tuần 41, toàn thành phố ghi nhận 108 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 67 phường, xã thuộc 17/22 quận huyện, thành phố trực thuộc (tăng 19 ổ dịch mới so với tuần 40). Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cảnh báo khoảng 75% trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Nhiều trường hợp đến bệnh viện muộn, gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.