Trung Quốc sáng chế áo bảo hộ phòng dịch chống nóng cho nhân viên y tế

Lợi Trần

Nhằm giúp các y sĩ, bac sĩ tuyến đầu chống chọi với cái nóng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19, mới đây Trung Quốc đã chính thức đưa mẫu đồ bảo hộ cải tiến vào phục vụ.

Nhằm giúp các y sĩ, bac sĩ tuyến đầu chống chọi với cái nóng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19, mới đây Trung Quốc đã chính thức đưa mẫu đồ bảo hộ cải tiến vào phục vụ.

Trang phục bảo hộ y tế thông thường đều làm bằng chất liệu dày dặn và bịt kín từ đầu đến chân để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người mặc. Do đó, nhân viên y tế khi mặc áo bảo hộ làm nhiệm vụ thường phải chịu đựng sự nóng bức, ngột ngạt suốt nhiều giờ.

Để giải quyết vấn đề này, theo kênh truyền hình CGTN, Trung Quốc vừa đưa vào sử dụng một loại áo bảo hộ phòng COVID-19 mới có thể làm mát cho nhân viên y tế bằng cách thổi luồng không khí vào bên trong.

Bộ đồ bảo hộ phòng chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cải tiến được gắn với một thiết bị cung cấp không khí đã lọc để giúp nhân viên y tế có không khí tươi liên tục khi ở trong trang phục kín mít, đồng thời giúp giữ nhiệt độ bên trong ở khoảng 26 – 29 độ C mà không khiến các nhân viên chức năng bị "ngộp" trong thời tiết mùa hè vô cùng khắc nghiệt như hện nay.

https://www.youtube.com/embed/wm_tYatSNMo

Gần đây, một video quay ngày 19/8 tại địa điểm xét nghiệm PCR ở Viện chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em ở Trường Viên, thành phố Tân Hương, thuộc tỉnh Hà Nam đã liên tục được báo đài Trung Quốc đã chia sẻ lại. Trong video, các nhân viên y tế mặc loại quần áo bảo hộ trên và lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

Ông Lý Thần Lâm - phó chủ nhiệm khoa kiểm nghiệm thuộc viện trên - cho biết với loại quần áo bảo hộ truyền thống, sau khi người mặc đổ mồ hôi, quần áo có thể dính sát vào người và mồ hôi không thoát được ra ngoài.

Loại đồ bảo hộ y tế mới có thể giúp giảm cái nóng, giúp mồ hôi bị bốc hơi ngay và giúp quần áo bên trong không bị ướt. Truyền thông Trung Quốc mô tả loại quần áo bảo hộ y tế mới là "thần khí chống nóng".

"So với đồ bảo hộ y tế truyền thống vốn khiến người mặc dễ đổ mồ hôi và ngột ngạt, loại quần áo bảo hộ mới giúp người mặc dễ chịu hơn", tờ Nhân Dân Nhật báo mô tả trong một bài viết trên mạng xã hội Weibo.

Tại Việt Nam, thay vì thiết kế có phần "cồng kềnh" như nước bạn, các sinh viên Bách Khoa Hà Nội đã tạo ra một hệ thống làm mát nhỏ gọn mặc bên trong đồ bảo hộ giúp các y, bác sĩ tuyến đầu được làm mát 24/7 mà vẫn đảm bảo tính di động để người dùng thoải mái di chuyển phục vụ công tác tại hiện trường.

Cụ thể, nhóm sinh viên bao gồm các em Phạm Đình Giỏi, Nguyễn Thị Hương Hảo và Kiều Thị Thùy Linh, sinh viên năm tư Viện Kỹ thuật hóa học (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã vận dụng kiến thức đã học tại trường để tạo ra một hệ thống làm mát có thể mặc trên người. 

Áo do nhóm Hảo sáng chế gồm 4 lớp, trong đó một lớp là ống mềm để làm mát. Nước trong ống mềm đi qua một bình đựng đá, đặt trong balo dây rút đeo phía sau lưng. Bình này kèm một chiếc bơm, sau khi nước được làm mát, bơm sẽ đẩy nước vào hệ thống ống mềm trong áo. Nước này sau đó lại được đẩy trở lại bình đựng đá, tuần hoàn liên tục như vậy giúp làm mát cơ thể. Người dùng cũng có thể điều chỉnh nhiệt độ làm mát bằng cách điều chỉnh bơm.

Qua thử nghiệm, nhóm Hảo nhận thấy chỉ cần bỏ vào bình đựng đá (được bọc trong lớp cách nhiệt) khoảng 300 gram đá cùng khoảng 300-400 ml nước, duy trì nhiệt độ làm mát 26-27 độ C - mức cơ thể có thể thích nghi và không bị sốc nhiệt, áo có thể giúp làm mát trong 2-4 tiếng. Để đạt hiệu quả cao nhất, cứ sau mỗi hai tiếng, người dùng lại tiếp thêm đá vào bình đựng.

"Với cách thức như vậy, các y bác sĩ sẽ mặc áo làm mát bên trong, sau đó mặc áo bảo hộ bên ngoài rồi đeo balo. Việc tiếp đá hoặc nước vào bình đựng sẽ không cần cởi áo làm mát hay đồ bảo hộ nên rất thuận tiện. Balo cũng nhỏ gọn nên không bị vương víu, ảnh hưởng đến quá trình làm việc", Hảo chia sẻ.

Để bơm hoạt động, người sử dụng áo chỉ cần có cục sạc dự phòng của điện thoại nên cũng rất thuận tiện. Cục sạc này được để trong ngăn riêng, tách biệt với bình đá nên đảm bảo an toàn.

Hiện, chiếc áo làm mát của nhóm Hảo đã có thể sử dụng. Tuy nhiên, nhóm vẫn muốn cải tiến thêm, tạo ra sản phẩm hoàn hảo hơn, trong đó có việc làm lại balo đựng bình nước sao cho nhỏ gọn, tiện lợi hơn hoặc có thể gắn liền với áo sao cho vẫn dễ dàng tiếp đá và nước. Nhóm cũng muốn nghiên cứu thêm để giảm thiểu tối đa số lần bổ sung nước đá của người dùng trong quá trình làm việc và tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm.

"Chúng em cần thời gian để làm điều đó. Tuy nhiên, ngay từ lúc này, chúng em mong muốn các đơn vị có thể tài trợ để sản xuất sản phẩm này, hỗ trợ y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch", nữ sinh nói.

Không chỉ hỗ trợ các bác sĩ trong đợt dịch, nhóm của Hảo cho rằng sản phẩm áo làm mát còn hữu ích với người lao động thường xuyên ở ngoài trời như công nhân làm việc tại công trường, người điều khiển xe máy ngoài đường cả ngày.

Thái An - SHTT