Pfizer cho biết vaccine Covid-19 của hãng đạt tỷ lệ hiệu quả ngăn ngừa bệnh không triệu chứng ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi là hơn 90%
Trong báo cáo thử nghiệm lâm sàng gửi tới Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Pfizer cho biết 16 trẻ em được tiêm giả dược đã mắc Covid-19, trong khi chỉ có 3 trẻ tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech bị mắc bệnh.
Trong số 2.268 trẻ em tham gia thử nghiệm, số trẻ được tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech nhiều gấp đôi so với số trẻ được tiêm giả dược. Do đó, hiệu quả phòng COVID-19 của vaccine này đối với trẻ em được tính là hơn 90%.
Theo kế hoạch, các cố vấn của FDA sẽ họp trong ngày 26/10 tới để bỏ phiếu về việc có nên khuyến nghị cơ quan này phê chuẩn sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech cho nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi hay không. Trong trường hợp FDA cho phép tiêm vaccine này cho trẻ em từ 5-11 tuổi, nhóm cố vấn sẽ tiếp tục họp trong hai ngày 2 và 3/11 để đưa ra các khuyến nghị về cách thức tiêm phòng.
Cũng trong ngày 22/10, Cố vấn y tế của Nhà Trắng Anthony Fauci cho biết Mỹ có thể triển khai tiêm liều tăng cường bằng vaccine khác so với loại đã tiêm trước đó, song vẫn khuyến nghị chỉ sử dụng 1 loại vaccine trong các mũi tiêm nếu có đủ vaccine.
Tại Mỹ, vaccine ngừa Covid-19 do Pfizer/BioNTech bào chế hiện được sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên.
Theo số liệu chính thức, 158 trẻ em từ 5-11 tuổi tại Mỹ đã tử vong vì Covid-19 kể từ đầu đại dịch. Pfizer cho biết "mặc dù tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở trẻ em thấp hơn đáng kể so với người trưởng thành, Covid-19 vẫn nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em 5-14 tuổi tại Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5".
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết họ sẵn sàng triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho 28 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi tại nước này ngay khi các cơ quan khoa học phê duyệt.
Dữ liệu mới của hãng Pfizer được đưa ra trong bối cảnh thế giới ghi nhận 243.681.594 ca nhiễm nCoV và 4.952.362 trường hợp tử vong, đồng thời 220.821.303 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Nga đang là nước ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Âu. Nước này vừa báo cáo thêm 1.064 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 lên 228.453, trong khi số ca nhiễm tăng thêm 37.141, lên tổng cộng 8.168.305 ca.
Giới chức Nga cảnh báo đây chưa phải là điều tồi tệ nhất, do mới chỉ 35% dân số nước này hoàn thành liệu trình tiêm vaccine Covid-19, dù Nga đã phát triển thành công vaccine Sputnik V từ sớm và tiêm miễn phí cho người dân.
Diễn biến đại dịch tại Trung Quốc, nước hiếm hoi trên thế giới còn theo đuổi chiến lược "không Covid", cũng đang có dấu hiệu phức tạp sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm cộng đồng ở khu vực phía tây bắc đất nước.
Đợt bùng phát liên quan đến một đôi vợ chồng trong nhóm khách du lịch bay từ Thượng Hải đến Tây An, tỉnh Cam Túc, rồi đến khu tự trị Nội Mông. Hàng chục ca nhiễm liên quan đến vợ chồng này đã được phát hiện tại ít nhất 5 địa phương cấp tỉnh, bao gồm Nội Mông và Bắc Kinh.
Tại thủ đô Bắc Kinh, 35.000 dân quận Xương Bình ở vùng ngoại ô sẽ được xét nghiệm nCoV, sau khi giới chức phát hiện 4 ca nhiễm tại đây. Ngoài xét nghiệm diện rộng, giới chức địa phương còn tăng cường truy vết tiếp xúc và thắt chặt các biện pháp phòng dịch.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm qua thông báo ghi nhận thêm 28 ca lây nhiễm cộng đồng, tăng hơn gấp đôi so với 13 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 96.660.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan sẽ cho phép những hành khách đã tiêm chủng đầy đủ từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ được nhập cảnh mà không cần cách ly từ tháng sau, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết hôm 21/10. Tuần trước, Thái Lan tuyên bố hành khách từ ít nhất 10 nước sẽ được miễn cách ly.
"Nếu chúng ta muốn thu hút nhiều du khách nước ngoài hơn để kích cầu du lịch, cũng như những lĩnh vực liên quan đến ngành này, chúng ta cần chủ động", Thủ tướng Prayut cho hay.
Tin Tổng Hợp