Sáng nay (4.10) TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ sai phạm hoán đổi “đất vàng” 185 Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM) đối với bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (74 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương), Nguyễn Thành Tài (70 tuổi, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM) và đồng phạm, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 186 tỉ đồng.
Sau bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, bà Diệp kháng cáo kêu oan. Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đối với phần liên quan đến công ty. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) kháng cáo đề nghị sửa phần nội dung bản án liên quan tài sản 185 Hai Bà Trưng.
Trước đó trong phiên xét xử sơ thẩm tháng 11.2021, HĐXX tuyên bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Nguyễn Thành Tài 5 năm tù, bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn (70 tuổi, nguyên Phó giám đốc Sở TN-MT) 4 năm 6 tháng tù, bị cáo Nguyễn Thành Rum (69 tuổi, nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM) 4 năm tù; 6 bị cáo khác không kháng cáo, nguyên là lãnh đạo, cán bộ của UBND TP.HCM từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 4 năm 6 tháng tù cùng về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
HĐXX tuyên thu hồi, xác lập lại quyền sở hữu nhà nước đối với nhà đất 185 Hai Bà Trưng và trả lại cho Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM. Hoàn trả tài sản 57 Cao Thắng cho Công ty Diệp Bạch Dương để giải quyết quan hệ thế chấp với Agribank.
Trong phần thủ tục, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp) kiến nghị HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 206 Bộ luật Tố tụng, một trong các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, khi cần xác định tâm thần của người cần bị buộc tội, nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ. Luật sư cho biết lý do là vì theo giấy xác nhận, giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh của Bệnh viện 30 Tháng 4 (Bộ Công an) gửi đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, xác định can phạm Dương Thị Bạch Diệp trầm cảm nặng, rối loạn giấc ngủ.
Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét, và có quyết định trưng cầu giám định tình trạng sức khỏe tâm thần của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp.
Tại phiên tòa khi chủ tọa hỏi có đủ sức khỏe để tham dự phiên tòa hay không, bị cáo Diệp nói: “Bị cáo không đủ sức khỏe, bị mất ngủ mấy năm nay rồi, bị cáo lo lắng nhiều, bị cáo oan ức gần 4 năm, cho tôi đi chữa bệnh đi”.
Chủ tọa: “Bị cáo kêu oan, bị cáo có muốn HĐXX tiến hành xem xét lời kêu oan của bị cáo không. Việc vụ án bị trì hoãn liên tục sẽ ảnh hưởng đến việc xem xét yêu cầu của bị cáo, ảnh hưởng đến tiến độ xét xử vụ án". Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp: “Tôi không giả đò. Tôi bệnh thật”. Sau đó, chủ tọa cũng giải thích cho bị cáo Diệp rằng: “Nếu sức khỏe không cho phép, bị cáo có thể thông qua luật sư để xét xử vắng mặt”, tuy nhiên bị cáo Diệp vẫn đề nghị được chữa bệnh.
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định triệu tập gấp bác sĩ giám định tâm thần cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đến tòa. Ngoài ra, cần triệu tập thêm bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của bà Diệp trong quá trình xét xử.
Bản án sơ thẩm thể hiện tài sản 57 Cao Thắng đã được Công ty Diệp Bạch Dương thế chấp tại Ngân hàng Agribank TP.HCM từ năm 2008 đến nay chưa được giải chấp. Tuy nhiên, năm 2010, bà Diệp vẫn thực hiện hoán đổi tài sản này để lấy tài sản 185 Hai Bà Trưng.
Sau khi có tài sản 185 Hai Bà Trưng, bà Dương Thị Bạch Diệp không đưa vào thay thế tài sản thế chấp tại Agribank như thỏa thuận với ngân hàng mà tiếp tục dùng tài sản này thế chấp vay 160 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Sacombank), gây thiệt hại hơn 186 tỷ đồng của Nhà nước.