Hiện nay vấn nạn thuốc giả, thực phẩm và thực phẩm sức khỏe... hiện diện khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển, ở đó các kênh phân phối “phi chính thức phát triển rất mạnh và không an toàn, thách thức đối với tất cả các quốc gia, càng nghiêm trọng với sự phát triển các “hiệu thuốc trực tuyến” giả mạo, thường bán thuốc giả, thuốc và sản phẩm bảo vệ sức khỏe kém chất lượng với giá rẻ.
Người tiêu dùng nhiều khi cũng không nhận thức được và không quan tâm đến hậu quả nghiêm trọng khi mua trực tuyến và sử dụng thuốc và các sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả hoặc kém chất lượng. Sự thiếu hụt và khan hiếm dược phẩm và trang thiết bị, dụng cụ y tế còn trầm trọng hơn do tâm lý mua sắm hoảng loạn trong đại dịch. Người tiêu dùng tích trữ thuốc men, sản phẩm bảo vệ sức khỏe quá mức cần thiết, đặc biệt là thuốc điều trị các bệnh mạn tính như: Cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần...
Tại Việt Nam, tình trạng kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dược phẩm trực tuyến, quảng cáo qua mạng xã hội, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại… đã tăng vọt trong thời gian qua.
Việc giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại, sử dụng hình ảnh các nhân vật nổi tiếng (chuyên gia y dược, nghệ sĩ…) quảng cáo không đúng sự thật về sản phẩm cũng bùng nổ theo sự phát triển công nghệ nghe – nhìn và phương tiện truyền thông đại chúng.
Với hình thức kinh doanh này, người bán không cần công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại gây nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa sản xuất, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Trong bối cảnh như vậy, các nhà sản xuất chân chính cần đầu tư các giải pháp khoa học - công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm, chống giả mạo...
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cho rằng, chúng ta chưa thể khẳng định các thực phẩm, đồ chính hãng của nơi sản xuất liệu có bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng hay không, bởi còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng những trường hợp hàng hóa làm giả sẽ đi kèm theo hàng kém chất lượng, bởi người ta không có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu, chủ yếu là vì lợi nhuận.
Thế nên, hàng gian, hàng giả không chỉ ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu, lợi nhuận của doanh nghiệp chân chính mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. “Riêng đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, Ban An toàn thực phẩm TP là đầu mối kiểm tra, giám sát. Chúng tôi luôn xác định phải phối hợp với các ngành, các cấp, đặc biệt là QLTT trong việc phòng chống hàng gian, hàng giả”, bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, cơ quan quản lý nhà nước có công cụ pháp luật và quy định xử phạt các hành vi sai phạm. Thế nhưng, xử phạt chỉ là phần ngọn, bởi có những sai phạm hết sức tinh vi, nhanh và mới mỗi ngày. Số lượng bị xử phạt chỉ là một phần nhỏ trong “tảng băng chìm”, lượng lớn hàng giả, kém chất lượng vẫn đang lưu thông trên thị trường.
Chính vì vậy, “chỉ cơ quan nhà nước không là chưa đủ mà đòi hỏi sự phản hồi, hợp tác tích cực từ cộng đồng bằng cách ủng hộ hàng thật, không mua hàng giả, hay trách nhiệm của các cá nhân, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm chức năng”, bà Lan chia sẻ.