Với suy nghĩ tiêm thêm liều vaccine ngừa viêm phổi, cúm sẽ nâng cao đề kháng, chống COVID-19 hiệu quả, chị Thu Ngân (45 tuổi, quận Tân Phú) đã tiêm bổ sung mũi phế cầu và cúm sau khi tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19. Ngoài ra chị Ngân cũng đăng ký tiêm cho tất cả các thành viên lớn, nhỏ trong gia đình.
Tương tự, chị Bạch Thị Quân (40 tuổi quận Bình Tân) cho biết, các bạn chị hầu như ai cũng tiêm thêm liều vaccine phế cầu vì cho rằng nó sẽ hỗ trợ cho phổi nếu chẳng may nhiễm COVID-19. Thế nên, chị đã đăng ký tiêm cho cả gia đình với giá 1.250.000 đồng/mũi tại bệnh viện Tân Phú.
Tuy nhiên, trước việc người dân ồ ạt tiêm nên hiện tại loại vaccine này đang cháy hàng. Theo đó, ngày 8.12, Viện Pasteur TPHCM và nhiều bệnh viện, phòng khám trên địa bàn các quận, huyện ở TP.HCM phải thông báo tạm dừng tiêm do hết các loại vaccine cúm và phế cầu.
Riêng tại VNVC, hệ thống này cho biết vẫn còn vaccine cúm và phế cầu nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho các đối tượng tiêm chủng là trẻ em và người lớn. Theo ghi nhận tại các địa điểm tiêm ngừa, hai loại vaccine này có giá dao động 250.000-1.250.000 đồng/liều.
Nên tiêm cho người trên 65 tuổi, bệnh nền
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc tiêm thêm vaccine cúm và phế cầu không thể thay thế vaccine COVID-19 hay có hiệu quả ngăn ngừa nhiễm COVID-19 hay hỗ trợ điều trị COVID-19. Tuy nhiên đây là những loại vaccine nên tiêm vì có thể giúp ngăn ngừa bội nhiễm khi đang mắc COVID-19. Nếu không may mắc COVID-19 thì khả năng bội nhiễm phế cầu và khả năng bội nhiễm cúm sẽ giảm xuống rất nhiều nếu được tiêm vaccine trước đó.
Theo bác sĩ Khanh vaccine ngừa cúm và phế cầu đã có từ rất lâu và thường sử dụng cho người lớn tuổi, trẻ em, người có bệnh nền... Đợt này người dân đi tiêm ngừa cúm và phế cầu là do lo lắng về dịch COVID-19.
Còn theo Bác sĩ Quách Nguyễn Thu Thủy, chuyên khoa II, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City: Người lớn tuổi rất dễ có nguy cơ mắc bệnh viêm phế cầu khuẩn. Tiêm vaccine phế cầu khuẩn là một biện pháp chăm sóc sức khỏe quan trọng, giúp phòng ngừa và giảm đáng kể gánh nặng sức khỏe do bệnh phế cầu khuẩn gây ra. Mặc dù vaccine phế cầu khuẩn không thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh viêm phổi nhưng nó có thể làm giảm khả năng mắc bệnh và giảm mức độ nặng của bệnh.
Theo bác sĩ Thu Thủy, nếu sau khi khám và bác sĩ quyết định cần phải tiêm vaccine viêm phổi thì người dân có thể tiêm loại vaccine này bất cứ lúc nào trong năm. Nếu đó là mùa cúm, người dân thậm chí có thể tiêm vaccine viêm phổi cùng lúc với vaccine cúm, miễn là hai mũi được tiêm ở hai cánh tay khác nhau.