Đến hẹn lại lên: Bánh Trung thu không xuất xứ nô nức tràn vào thị trường nội địa

Trần Hoàng Quang

SKTD - Trong những ngày gần đây, lực lượng chức năng trên cả nước đã liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ kinh doanh, buôn bán các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm phục vụ mùa Trung Thu 2022.

Lực lượng quản lý thị trường cả nước liên tục phát hiện các trường hợp vi phạm trong kinh doanh các sản phẩm bánh Trung thu

Thực hiện đợt cao điểm kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán sản phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trước, trong và sau dịp tết Trung thu năm 2022 trên địa bàn tỉnh, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường trọng điểm, các khu vực có nguy cơ buôn bán các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Mới đây nhất, vào ngày 24/8, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại khu vực thôn Tòng Mòn, xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai), lực lượng chức năng đã phát hiện 1 lô hàng có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã yêu cầu kiểm tra hành chính.

banh-trung-thu-khong-ro-nguon-goc-1661516299.jpg

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong lô hàng gồm 270 thùng bìa giấy, bên ngoài ghi chữ nước ngoài. Trong thùng bìa giấy có tổng số hơn 54.000 sản phẩm là bánh dẻo các loại gồm: Bánh dẻo nhân đậu phộng, bánh mè, bánh dẻo nhân khoai môn, bánh dẻo nhân đậu đỏ. Tổng trọng lượng là 1,35 tấn.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng là Phan Văn Thiên (sinh năm 1985, trú tại thôn Tòng Mòn, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai) không xuất trình được giấy tờ chứng minh rõ nguồn gốc của lô hàng kể trên.

Ước tính toàn bộ lô hàng có giá trị khoảng 80 triệu đồng.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ lô hàng và mời chủ lô hàng về trụ sở để điều tra làm rõ, đồng thời, tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý lô hàng và chủ lô hàng theo quy định của pháp luật. 

Cùng trong ngày 24/8/2022, QLTT số 6 thuộc Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn chủ trì và phối hợp với Đội Kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Đội 389 tỉnh) tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hằng, địa chỉ kinh doanh tại số 61 Đường Bắc Sơn, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn phát hiện một số lượng lớn hàng hoá phục vụ tết trung thu nhập lậu và đồ chơi bạo lực.

do-choi-tre-em-1661516341.jpg

Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện cửa hàng đang bày bán 4 loại hàng hóa với hơn 7.000 sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm bao gói sẵn sản xuất ngoài Việt Nam, gồm: Bánh trung thu nhân đậu xanh, loại 30g/chiếc, số lượng: 720 chiếc; Xúc xích cay ăn liền, loại 40g/chiếc, số lượng: 2.000 chiếc; Xúc xích bi ăn liền, loại 22g/túi, số lượng: 2.400 túi; Chân gà cay ăn liền, loại 32g/chiếc, số lượng: 1.600 chiếc và hơn 1.000 khẩu súng nhựa đồ chơi trẻ em không đảm bảo an toàn sử dụng. Toàn bộ số hàng hoá nêu trên không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp; tổng trị giá hàng hóa theo niêm yết tại cửa hàng là gần 20 triệu đồng.

Đội QLTT số 6 đã tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hằng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với mức phạt 10.750.000 đồng và buộc hộ kinh doanh thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm nêu trên trước sự giám sát của lực lượng chức năng. 

Tại Tiền Giang, trong 2  ngày 23 và 24/8/2022, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra theo kế hoạch chuyên đề Tết Trung thu tại 02 cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

tg-1661516491.jpg

Kết quả, các cơ sở này có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hồ sơ tự công bố sản phẩm và đảm bảo các điều kiện sản xuất bánh trung thu như nguồn nước, trang thiết bị, nguyên liệu sản xuất bánh, tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất...

Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện các cơ sở này có hành vi vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất bánh trung thu. Cụ thể, người trực tiếp sản xuất không có ủng, giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm.

Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm đối với các các hộ kinh doanh nêu trên để hoàn chỉnh hồ sơ xử phạt vi phạm chính theo thẩm quyền. 

Thị trường bánh Trung thu 2022 đồng thau lẫn lộn

Chỉ còn chưa tới 1 tháng nữa là Rằm Trung thu do đó, đây là cao điểm trong năm trong hoạt động kinh doanh các sản phẩm bánh kẹo phục vụ cho dịp lễ lớn này.

Bên cạnh nguồn hàng nhập lậu qua biên giới bằng vô số những hình thức tinh vi khác nhau thì các sản phẩm bánh Trung thu thủ công hay bánh trung thu handmade cũng là các sản phẩm không được chứng nhận chất lượng được rao bán rộng rãi trên khắp các chợ mạng và các nền tảng thương mại điện tử.

So với các hãng lớn thường bán sản phẩm bánh trung thu với mức giá từ vài chục tới vài trăm thì các sản phẩm bánh trung thu trôi nổi ngoài thị trường lại thường có mức giá vô cùng 'mềm' chỉ giao động ở mức 15.000 - 20.000 đồng mỗi chiếc lại khiến người tiêu dùng vô cùng quan tâm và đặt mua về sử dụng với số lượt mua vô cùng lớn.

Lướt qua một số trang mạng như Facebook, Zalo, Tiktok hay các sàn thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada, sẽ không khó để tìm thấy các bài đăng bán sản phẩm bánh Trung thu mini Trung Quốc với mức giá từ vài nghìn tới đôi chục một cái hoặc chỉ chưa tới 100.000/ kg (tương đương với hàng chục chiếc bánh) có lượt mua không hề nhỏ.

trang-lan-banh-trung-thu-1661516616.jpg

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các sản phẩm bánh Trung thu handmade cũng trở nên nở rộ. Những sản phẩm bánh nhà làm được đóng bao bì đơn giản, không nhãn mác, không có chứng nhận kiểm định chất lượng, không ghi hạn sử dụng được chào bán tràn lan.

Mặt hàng này được yêu thích bởi có thể đặt làm riêng theo yêu cầu, phù hợp với sở thích, tuy nhiên, việc mua bán chỉ là dựa vào niềm tin giữa người mua và người bán mà không có bất cứ loại giấy tờ nào chứng minh chất lượng. Bên cạnh đó, giá bán của các sản phẩm bánh handmade cũng không có khung cố định mà sẽ tùy vào người bán đưa ra.

chat-luong-banh-trung-thu-1661516550.png

Chị T.T.P (trú tại phường Phú Diễn, q. Bắc Từ Liêm) cho biết, nhiều năm nay cứ đến mùa Trung thu chị sẽ nhận các đơn đặt làm bánh Trung thu. Vì toàn là khách quen hoặc khách được người quen giới thiệu nên việc mua bán diễn ra đơn giản trên tinh thần thuận mua vừa bán và các sản phẩm được làm theo yêu cầu của khách về chất lượng.

Tất nhiên, với hình thức kinh doanh nhỏ lẻ theo mùa như thế này, chị T.T.P cũng thừa nhận người mua đặt hàng vì niềm tin còn người bán làm theo mùa vụ với mô hình như thế này cũng sẽ không có điều kiện để mang sản phẩm đi làm chứng nhận chất lượng.

Những nguy hại tiềm ẩn khi mua và sử dụng bánh Trung thu giá rẻ trôi nổi trên thị trường

Theo chia sẻ của TS Từ Ngữ thuộc Hội Dinh dưỡng Việt Nam trên khoahocdoisong.vn, để làm bánh phải có quy trình từ bột, nhân, khuôn, nướng... Đặc biệt là vấn đề vệ sinh, nếu thực hiện đúng các quy trình thì đòi hỏi phải đầu tư lớn. Muốn giá rẻ thì quy trình phải thay đổi và nguyên liệu cũng phải rất rẻ. Quan sát những chiếc bánh Trung thu giá rẻ này thì thấy phần nhân không rõ ràng.

Không ai biết phần nhân được làm từ những nguyên liệu gì, trứng muối, dăm bông, lạp xưởng hay đậu xanh… Bởi nhân bánh đã được làm nhuyễn.

Có ý kiến cho rằng, nhiều khả năng bánh được làm từ thực phẩm "rác". Đó là thực phẩm lưu cữu lâu ngày để trong các tủ lạnh với nhiệt độ đến -20 hoặc -30 độ C, đã hết hạn sử dụng có giá thành rất rẻ. Khi đã sử dụng nguyên liệu là thực phẩm "rác" nhà sản xuất sẽ sử dụng đến phụ gia. Phụ gia làm mất đi mùi vị của thực phẩm làm bánh và họ đưa một loại hương vị gần giống với thực phẩm vào, đánh mạnh vào tâm lý người tiêu dùng, nhất là đối tượng trẻ em.

Khi sử dụng loại bánh không rõ nguồn gốc này, nếu may mắn không bị ngộ độc cấp như tiêu chảy, nôn mửa, nhưng có ảnh hưởng lâu dài hay không thì không ai biết được, đặc biệt là những phụ gia, thực phẩm "rác" tác động lên gan, thận, đường tiêu hóa gây có thể gây ra những bệnh mạn tính như xơ gan, có thể là ung thư gan. Nguy hiểm nhất là người ăn không nhận biết được ngay lập tức tác hại nhưng hậu quả lại khôn lường.

mau-banh-trung-thu-dep-1661516697.jpg

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cũng khuyến cáo, để có một mùa Trung thu an toàn, người tiêu dùng khi mua và sử dụng các loại bánh Trung thu cần đảm bảo các mặt hàng này có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. 

Chú ý các thành phần của bánh không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định của Bộ Y tế.

Đặc biệt, người tiêu dùng cần phải kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm thực phẩm qua các trang mua bán online.