Góc nhìn pháp lý vụ bạo hành trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng

Lâm Ngọc

SKTD- Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM chia sẻ tại buổi họp báo chiều 4/9/2024, liên quan vụ trẻ em bị bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng ở quận 12. Theo ông Minh, các cơ quan liên quan đã đồng loạt vào cuộc và sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật hành vi của các bảo mẫu hành hạ trẻ.

Theo ông Nguyễn Tăng Minh, việc trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng bị bạo hành rất nghiêm trọng, đáng tiếc. Những tổ chức, cá nhân liên quan chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh, không bao che. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ có giải pháp kiểm tra để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Cũng tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội của Sở LĐTB và XH TP.HCM, cho biết mái ấm Hoa Hồng (đường Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q.12) là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí. Cơ sở này được Phòng LĐTB và XH quận 12 cấp giấy phép hoạt động vào ngày 7/7/2023) với chức năng, nhiệm vụ là trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang, có số lượng không quá 39 trẻ. Bà Giáp Thị Sông Hương (50 tuổi, quê Bắc Giang) là người đại diện theo pháp luật của cơ sở này.

Trước đó, điều tra của phóng viên báo Thanh Niên phản ánh bảo mẫu tại đây chăm sóc hàng chục trẻ sơ sinh dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, hàng đêm, các bé sơ sinh bị bảo mẫu tên Cẩm và Tuyền đánh, xách tay chân, ném, tát, có bé thậm chí bị đánh chảy máu miệng và chân tay…

Trụ sở Mái ấm Hoa Hồng trước đó từng là khách sạn, gần 2 năm trở lại được đổi thành Mái ấm Hoa Hồng. Nơi này được truyền thông nhắc đến như chỗ “cưu mang các thai phụ, người già có hoàn cảnh khó khăn; sinh viên học sinh mang thai ngoài ý muốn…”. Trên Facebook, Youtube, Titok có nhiều video giới thiệu về cơ sở này và kêu gọi từ thiện từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp.

Thực tế, đã có không ít vụ việc bảo mẫu bạo hành trẻ em trong thời gian gần đây. Điều này, đã làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc trong xã hội về chất lượng và đạo đức nghề nghiệp của những người làm nghề chăm sóc trẻ. Những hành vi này không chỉ gây ra tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần cho trẻ nhỏ mà còn làm suy giảm niềm tin của phụ huynh vào các cơ sở giáo dục mầm non và dịch vụ chăm sóc trẻ.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc này chính là hồi chuông cảnh báo về nhu cầu cấp thiết trong việc đào tạo bảo mẫu một cách bài bản và chuyên nghiệp. Hiện nay, nhiều cơ sở, thậm chí là trường học sử dụng bảo mẫu chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để chăm sóc trẻ, cũng như không được đào tạo về cách quản lý cảm xúc hay cách xử lý tình huống khó khăn trong quá trình làm việc. Điều này dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát hành vi và có những hành động bạo lực, gây hại cho trẻ em.

Cũng theo các chuyên gia, đào tạo là cần thiết để nâng cao các kỹ năng chăm sóc trẻ, quản lý tình huống, và đặc biệt là giáo dục về đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc tăng cường giám sát và kiểm tra định kỳ tại các cơ sở chăm sóc trẻ là yếu tố then chốt để đảm bảo rằng những người làm nghề bảo mẫu luôn tuân thủ quy chuẩn pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Bảo mẫu bạo hành, chủ cơ sở có thể bị truy cứu trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Thị Hồng Thắm (đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trong trường hợp bảo mẫu bạo hành trẻ em, chủ doanh nghiệp có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý nếu có các yếu tố liên quan đến việc quản lý hoặc giám sát hoạt động của bảo mẫu. Trong trường hợp, nếu doanh nghiệp không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn và bảo vệ trẻ em, chủ doanh nghiệp có thể bị xử lý với các tội danh sau:

Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015): Nếu chủ doanh nghiệp không có biện pháp giám sát, kiểm soát hoặc để xảy ra tình trạng bạo hành một cách lặp lại, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở nơi đông người (Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015): Nếu trong trường hợp bảo mẫu bạo hành do môi trường làm việc không an toàn hoặc vi phạm các quy định về an toàn bảo vệ trẻ em.

Tội không tố giác tội phạm (Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015): Nếu chủ doanh nghiệp biết bảo mẫu bạo hành trẻ em nhưng không báo cáo hoặc ngăn chặn kịp thời.

 

Theo Quang Trung/NNCS