Như đã đưa tin, sau khi đi phẫu thuật thẩm mỹ tại hồi tháng 1/2022 tại nhà riêng của anh Hoàng Minh Phong (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), chị Phạm Thị D.H. (SN 2000, quê ở Long An) đối mặt nguy cơ trở thành người thực vật.
Đến tối 17/3, người nhà nạn nhân cho biết, chị H. đã tử vong: "Sau khi được đưa vào bệnh viện Long An ngày 25/2, H vừa mất vào 11 giờ tối ngày 16/3", chị gái nạn nhân đau đớn nói.
Người thân nạn nhân cho biết, đã tốn hàng trăm triệu để chữa trị nhưng H. không qua khỏi.
Chia sẻ với báo chí, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - phó chủ nhiệm khoa tạo hình - thẩm mỹ, Học viện Quân y - cho biết trường hợp cô gái 22 tuổi nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ dẫn đến tử vong rất có thể do gây mê, tụt oxy, dẫn đến chết não, hôn mê sâu trong thời gian dài, sau đó tử vong.
Ngoài ra, có thể do ngộ độc thuốc tê, sốc do truyền kháng sinh, sốc phản vệ do dị ứng với các thuốc trong quá trình phẫu thuật, sử dụng thuốc gây mê quá liều dẫn đến bệnh nhân hôn mê sâu.
Theo bác sĩ Tuấn, trước khi làm phẫu thuật, khách hàng phải được xét nghiệm các chỉ số máu, khai thác tiền sử dị ứng, để xác định người được phẫu thuật có mắc bệnh truyền nhiễm, máu khó đông hay dị ứng thuốc không. Sau đó, bác sĩ sẽ giải thích về những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật.
TS.BS Nguyễn Văn Phùng - bộ môn phẫu thuật tạo hình, Đại học Y dược TP.HCM cũng nhận định về vụ việc cô gái 22 tuổi tử vong sau khi nâng mũi, nguyên nhân đầu tiên là do người thực hiện phẫu thuật không phải là bác sĩ được cấp phép hành nghề.
Thời gian qua, bác sĩ Phùng cũng đã tiếp nhận nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ ở các cơ sở "chui" phải can thiệp lại.
Có thể thấy để xảy ra tai biến thẩm mỹ là trách nhiệm của các cơ sở thẩm mỹ. Song, những vụ việc này cho phép dư luận đặt câu hỏi: Có hay không sự bát nháo trong lĩnh vực làm đẹp và sự bất cập của cơ quan chức năng khi không quản lý hết những cơ sở làm đẹp mọc lên khắp nơi, len lỏi mọi ngóc ngách và huênh hoang quảng cáo 'trên trời'? Bởi lẽ, với những lời quảng cáo 'có cánh' công khai giữa thanh thiên bạch nhật, rầm rộ trên mạng xã hội, khó có thể nói rằng cơ quan chức năng không hay, không biết, không rõ.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, do nhu cầu của xã hội, nhiều người muốn làm đẹp và các dịch vụ thẩm mỹ được thực hiện khá dễ dàng nên thời gian qua, các lớp đào tạo thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa.
Bất kể nhiều vụ việc tai biến đã xảy ra, nhiều người đã bị thương tích nghiêm trọng, thậm chí bị thiệt mạng, nhưng tình trạng các cơ sở thẩm mỹ hoạt động rộng khắp, nhiều trường hợp bất chấp quy định của pháp luật, không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn thực hiện các hoạt động như một phòng khám, như một BV thẩm mỹ vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.
Vì vậy đây là hồi chuông cảnh tỉnh, yêu cầu cơ quan chức năng cần xem xét, siết chặt hơn nữa công tác quản lý đối với các hoạt động thẩm mỹ, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép, xử lý nghiêm minh các cán bộ buông lỏng quản lý, dung túng cho sai phạm nếu có.