Số ca tử vong, nguy kịch do COVID-19 giảm mạnh sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128

Sức Khỏe News

SKTD - Theo Bộ Y tế nếu đơn vị, địa phương nào không thực hiện báo cáo UBND tỉnh, thành xem xét, phê duyệt về thời gian tiêm vaccine mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca, làm ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng "phải chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế, UBND".

Sáng 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo, sau hơn 1 tháng cả nước triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19".

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cuộc họp nhằm kiểm điểm tình hình sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn chuyên môn theo Quyết định 4800 Bộ Y tế, đánh giá những việc đã làm được, những việc chưa làm được, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, các nội dung cần bổ sung, điều chỉnh để thực hiện tốt hơn mục tiêu vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát riển kinh tế - xã hội an toàn, bền vững trong thời gian tới.

Có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng  

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày cho biết, đợt dịch COVID-19 thứ 4 đến ngày 19/11/2021, cả nước đã ghi nhận trên 1 triệu ca mắc, 880.000 người đã khỏi bệnh (82%) và 23.500 ca tử vong.

Riêng trong tuần qua, cả nước ghi nhận 65.132 ca mắc (31.369 ca cộng đồng), 546 ca tử vong. So với tuần trước đó, số mắc trong cộng đồng tăng 20,3%, số tử vong tăng 27,7%, số ca khỏi bệnh tăng 45,5%.

 

bo-truong-y-te-nguyen-thanh-long-1637383019.jpeg
Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo công tác phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp

Trong hơn 1 tháng đầu tiên thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP (từ 11/10 – 19/11/2021), cả nước ghi nhận 105.543 ca cộng đồng.

Trong đó khu vực phía Nam ghi nhận 90.442 ca, chiếm 85,6% cả nước; khu vực Tây Nguyên ghi nhận 1.990 ca, chiếm 1,9% cả nước; khu vực miền Trung ghi nhận 8.081 ca, chiếm 7,7% cả nước; khu vực phía Bắc ghi nhận 5.030 ca, chiếm 4,8% cả nước. So với tháng trước đó, số ca cộng đồng cả nước tăng 2,9%, số ca tử vong giảm 46,3%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 25,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 40,8%.

Ban Chỉ đạo nhận định, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần số mắc cộng đồng tăng tại 35 tỉnh, thành phố) do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch .

Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.

Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus.

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch (được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế). Có 49 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP hoặc văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch trong sản xuất, giao thông... 

Trong đó, kế hoạch của 25 tỉnh, thành phố đã quy định các biện pháp hành chính cho 4 cấp độ dịch; kế hoạch của 24 tỉnh, thành phố chỉ có biện pháp hành chính cho cấp độ dịch hiện tại trên địa bàn

Ban Chỉ đạo cũng cho biết có một số vấn đề tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP như: Một số địa phương chưa ban hành kế hoạch thích ứng cho cả 4 cấp độ dịch hoặc chỉ có kế hoạch cho 1 cấp độ dịch hiện tại của địa phương; thực hiện xét nghiệm, cách ly đối với người di chuyển về từ các tỉnh có số mắc cao; thời gian cách ly F1 đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh;…  

Đã phân bổ 129,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến ngày 19/11/2021, Việt Nam đã tiếp nhận 131,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đã phân bổ 129,6 triệu liều (1,6 triệu liều chưa phân bổ do vaccine mới được tiếp nhận đang kiểm định). 

Cả nước đã tiêm được hơn 106 triệu liều (trong tuần đã tiêm được 8,2 triệu liều, giảm 2 triệu liều so với tuần trước đó); tỉ lệ tiêm 01 liều vaccine là 89,4%, 2 liều vacine là 53,4% dân số từ 18 tuổi trở lên. Có 18 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Khu vực phía Bắc đã được phân bổ 48,9 triệu liều, đã tiêm được 40,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 và 2 lần lượt là 81,4% và 45,7% cho người trên 18 tuổi; 

Miền Trung được phân bổ 14,2 triệu liều, đã tiêm được 11,2 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1,2 lần lượt là 87,2% và 37,2% cho người trên 18 tuổi; 

null
Đến nay cả nước đã tiêm trên 106 triệu liều vaccine phòng COVID-19

Khu vực Tây Nguyên được phân bổ 4,7 triệu liều, đã tiêm được 3,1 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 và 2 lần lượt là 84,6% và 15,4% cho người trên 18 tuổi; 

Khu vực miền Nam được phân bổ 59,3 triệu liều vaccine, đã tiêm được 48,4 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1,2 lần lượt là 97,3% và 69,5% cho người trên 18 tuổi.

Theo SK&ĐS